Xét nghiệm kháng thể để ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

Ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay việc truy vết F0 không phải mục tiêu chủ yếu. Mục tiêu của Việt Nam hiện nay là sử dụng xét nghiệm kháng thể phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Các tổ công tác của Trung tâm y tế Quận Sơn Trà (Đà Nẵng) tiến hành lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho các khu phố bị cách ly, có nguy cơ lây nhiễm trong địa bàn quận. Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN

Trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh sử dụng những công cụ truy vết, tìm ra các bệnh nhân, người tiếp cận gần (F1) để cách ly, việc xét nghiệm là một trong những biện pháp chủ đạo để có thể phát hiện ra những ca dương tính trong cộng đồng. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện ngành Y tế đang thực hiện 2 loại xét nghiệm gồm: Xét nghiệm Realtime-PCR tìm ra virus và xét nghiệm tìm kháng thể trong máu. Đối với Đà Nẵng, cả 2 loại xét nghiệm trên vô cùng cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, do virus SARS-CoV-2 đã lây nhiễm tương đối lâu trong cộng đồng nên cần phải tìm ra những người mang kháng thể. Bên cạnh đó còn những bệnh nhân nguy cơ mới, nguy cơ tiềm tàng nên phải sử dụng xét nghiệm Realtime-PCR để phát hiện kịp thời.

Thành phố Đà Nẵng đã nâng công suất xét nghiệm lên mức 8.000-10.000 mẫu bệnh phẩm/ngày. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn những nhu cầu về mặt xét nghiệm và ngành Y tế Đà Nẵng còn có thể tăng năng lực xét nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin, đối với giai đoạn 2 của dịch COVID-19, trong số những ca dương tính với SARS-CoV-2 có nhiều bệnh nhân nặng nên việc truy vết trong cộng đồng cũng đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên gia. Song song với việc sử dụng nguồn nhân lực của Đà Nẵng, rất cần có sự chi viện từ Trung ương, từ các bệnh viện địa phương tham gia hỗ trợ điều trị. Bên cạnh nỗ lực lớn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng trong công tác truy vết cộng đồng, Bộ Y tế đã cử một đội từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng các chuyên gia đến để hỗ trợ thành phố trong công tác xây dựng kế hoạch, phân khu cách ly tại khu dân cư, truy vết những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trên địa bàn.

Đề cập đến việc làm sạch 3 bệnh viện gồm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: Sau khi làm sạch các bệnh viện, ngành Y tế Đà Nẵng phải đảm bảo đó là nơi an toàn để người bệnh đến khám và điều trị. Các bệnh viện sẽ được đánh giá theo bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 mà Bộ Y tế ban hành, trong đó xây dựng quy trình phân luồng bệnh nhân, kiểm soát chặt chẽ các bệnh nhân có triệu chứng hô hấp, không để bị lây nhiễm cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn hy vọng sự nỗ lực của chính quyền thành phố Đà Nẵng, của ngành Y tế, lực lượng công an và quân đội có thể sẽ giảm được số ca nhiễm tại thành phố, sau 14 ngày thành phố Đà Nẵng có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Võ Văn Dũng (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế tích cực truy vết trường hợp liên quan 3 bệnh nhân mắc COVID-19   
Thừa Thiên - Huế tích cực truy vết trường hợp liên quan 3 bệnh nhân mắc COVID-19   

Tối 2/8, tỉnh Thừa Thiên – Huế công bố thông tin về lịch trình di chuyển trên địa bàn tỉnh của ba bệnh nhân mắc COVID-19 số 589, 601 và 602 vừa được xác định cùng ngày. Ba bệnh nhân này có lộ trình di chuyển phức tạp, đã tham dự đám cưới tại thành phố Đà Nẵng và đến thành phố Huế trong 2 ngày 23-24/7.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN