Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện Thành phố đang điều trị cho 14.342 bệnh nhân; trong đó có 357 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 24/11, TP Hồ Chí Minh có 1.582 bệnh nhân nhập viện, 1.148 bệnh nhân xuất viện và 59 trường hợp tử vong.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, số ca F0 nặng và tử vong đang có khuynh hướng gia tăng, đặc biệt tập trung ở nhóm bệnh lý nền, tuổi trên 50. Trong ngày 24/11, Thành phố có 59 trường hợp tử vong, trong đó có 12 trường hợp chuyển từ các tỉnh thành khác. Theo thống kê, có 85% trường hợp F0 tử vong nằm trong nhóm trên 50 tuổi, 95% liên quan đến bệnh lý nền.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, trong 3 ngày qua, số F0 mắc mới có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, ngày 21/11 ghi nhận 1.547 trường hợp mắc mới; ngày 23/11 có 1.204 trường hợp và ngày 24/11 có 1.666 trường hợp. "Số F0 gia tăng trong thời gian gần đây xuất phát từ việc mở cửa trở lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố và đây là diễn tiến đã lường trước. Dù chúng ta đã cố gắng thực hiện rất nhiều biện pháp nhưng số F0 có chiều hướng tăng nhẹ trong những ngày qua và trong thời gian tới", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhận định.
Lý giải về số F0 tử vong gia tăng, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, số ca F0 mắc mới gia tăng sẽ dẫn đến số ca tử vong cũng tăng nhẹ. Theo thống kê, số ca tử vong trong thời gian qua đa số là những người trên 65 tuổi, mắc bệnh lý nền và những người chưa được tiêm phòng COVID-19.
Về các giải pháp ngăn chặn F0 gia tăng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Sở Y tế đã xây dựng và trình UBND TP Hồ Chí Minh về chiến lược y tế thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19; đồng thời trình UBND Thành phố về quy chế phối hợp trong việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà và các cơ sở thu dung điều trị F0 trên địa bàn các quận, huyện và thành phố Thủ Đức.
Về các hoạt động triển khai trong tuần qua, Sở Y tế đã phối hợp với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức giám sát hoạt động tại các Trạm y tế, đặc biệt là Trạm y tế lưu động. “Sở Y tế lập 8 nhóm Zalo phân theo từng khu vực quận, huyện; trong đó có thành viên Ban giám đốc Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, Giám đốc trung tâm y tế, Trưởng trạm y tế… để trao đổi thường xuyên hoạt động chuyên môn để hỗ trợ, chăm sóc tốt nhất cho người dân, đặc biệt là các F0 điều trị tại nhà”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.
Trước phản ánh của người dân về việc không tiếp cận được y tế địa phương trong trường hợp cần thiết, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, Sở Y tế cũng đã có văn bản chấn chỉnh lại những cơ sở y tế không tiếp nhận bệnh nhân, hay không trả lời kịp thời phản ánh của người dân gọi tới. Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng lập 10 tổ đi kiểm tra các hoạt động tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức để nắm bắt tình hình đối với nhu cầu của người dân; củng cố lại đường dây nóng 1022 với sự tham gia của 200 bác sĩ để tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà; đồng thời tái lập lại hệ thống mạng lưới thầy thuốc đồng hành. Những hoạt động này sẽ hỗ trợ tốt nhất cho các F0 trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã điều động tăng cường nhân viên y tế đến các bệnh viện dã chiến ba tầng và bổ sung cho các trạm y tế lưu động, cũng như các khu vực có F0 gia tăng như huyện Hóc Môn, Bình Chánh, thành phố Thủ Đức... đồng thời phối hợp với Hội đông y TP Hồ Chí Minh bổ sung, cung cấp thuốc điều trị cho F0 tại nhà.