Tăng khả năng thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở Bắc Giang

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 20/5 cho biết: Tiểu ban điều trị của bộ phận thường trực hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế đã họp khẩn với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Giang để đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp kịp thời.

Chú thích ảnh
Học viện Quân y hợp tác với Công ty  Cổ phần Dược phẩm Ampharco U.S.A hỗ trợ CDC Bắc Giang (theo hình thức chuyển giao công nghệ ) xây dựng Phòng xét nghiệm COVID-19 với công suất 10.000 mẫu đơn/ ngày. Trong ảnh: Tiến sỹ, Bác sỹ, Trung tá Hồ Hữu Thọ (Học viện Quân y) hướng dẫn học viên thao tác trên máy. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Điểm hạn chế chung của các cơ sở điều trị tại Bắc Giang là vấn đề về kiểm soát nhiễm khuẩn vì hầu hết đều chưa có kinh nghiệm điều trị bệnh truyền nhiễm. Trang thiết bị y tế còn nhiều thiếu thốn.

Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang Bùi Thế Bừng cho biết: Theo thống kê mới nhất, số giường bệnh COVID -19 trong tỉnh dự kiến vào khoảng 2500 – 2700 giường. Trong đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh (100), Bệnh viện Phổi tỉnh Bắc Giang (213), Bệnh viện dã chiến số 1 (220), Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh Bắc Giang (160), Trung tâm y tế huyện Yên Dũng (150), Trung tâm y tế huyện Lạng Giang (140). Sắp tới sẽ đưa vào hoạt động thêm cơ sở mới tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh 200 giường, Bệnh viện Tâm thần 400 giường, Bệnh viện dã chiến Quân đội dự kiến 300-500 giường, Bệnh viện dã chiến ở Nhà thi đấu tỉnh 620 giường.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai đang tiến hành khảo sát thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại 2 tầng Bệnh viện Phổi Bắc Giang, với quy mô 58 giường để điều trị bệnh nhân nặng. Riêng việc mở rộng thêm cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 cần lãnh đạo UBND tỉnh cho ý kiến để nghiên cứu, khảo sát và mở rộng.

Điều đáng nói, toàn bộ nhân lực ngành y tế đã huy động, tăng cường cho công tác chống dịch, nhưng riêng cho mảng điều trị vẫn còn thiếu. Điển hình như Bệnh viện dã chiến tại nhà thi đấu dự kiến cần 620 cán bộ y tế, nhưng hiện tại nhân lực của tỉnh hiện chỉ huy động được hơn 100 người. Nếu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có thể hỗ trợ 300 người, huy động thêm nguồn lực tại một số huyện để đào tạo thì mới có thể đáp ứng được.

Giám đốc các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở Bắc Giang cho biết, mọi việc tạm thời đang trong tầm kiểm soát, sức khỏe người bệnh đều ổn định. Tuy vậy, nếu tình hình dịch bệnh tại địa phương không sớm được ngăn chặn thì các đơn vị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa đánh giá: Bắc Giang đã tiến hành thiết lập Bệnh viện dã chiến thần tốc, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Dù số ca bệnh tăng nhanh, nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, cộng thêm sự chi viện kịp thời từ các tỉnh bạn, quân đội nên địa phương vẫn đang kiểm soát được tình hình.

Trước mắt, Bắc Giang cần khẩn trương tìm địa điểm phù hợp để tiến hành xây dựng bệnh viện dã chiến mới, nhằm tăng quy mô 2.500 lên 3.000 giường bệnh để chủ động ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Tiếp đó, tỉnh cần ổn định tổ chức bộ máy để các cơ sở điều trị hiện tại có thể phát huy tối đa khả năng sẵn có. Cần hết sức cảnh giác với chủng virus lần này bởi có nhiều diễn biến bệnh nhanh không lường trước; ưu tiên khẩn trương hoàn thiện trung tâm ICU ở Bệnh viện phổi Bắc Giang để chủ động điều trị tại địa phương với sự giúp sức của các chuyên gia từ bệnh viện tuyến trung ương chi viện. Các đơn vị điều trị cần sớm liệt kê danh sách các phương tiện, trang thiết bị máy móc cần cho công tác điều trị dịch COVID-19, từ đó đề xuất UBND tỉnh xem xét mua sắm.

Chú thích ảnh
 Các chiến sỹ Trung đoàn bộ binh 2, Sư đoàn bộ binh 3, Quân khu 1, khẩn trương lắp đặt trang thiết bị cho Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 đặt tại Trung đoàn 831 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Về nhân lực làm việc tại Bệnh viện dã chiến rất cần các cán bộ, nhân viên y tế chuyên ngành truyền nhiễm. Do đó, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cần sớm trao đổi với các tỉnh bạn (nơi không nóng về dịch bệnh) nhằm tăng cường chi viện nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, bày tỏ quan điểm: Các cơ sở y tế đang là đơn vị điều trị COVID-19 ở Bắc Giang cần sắp xếp, tổ chức để nguồn nhân lực hoạt động hiệu quả, nên áp dụng theo mô hình 3 ca, 4 kíp một cách thường xuyên...

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đề nghị Sở Y tế cần huy động tất cả lực lượng hiện có, kể cả đã nghỉ hưu, nhanh chóng thống kê, rà soát và trao đổi với các tỉnh bạn, báo cáo cụ thể để UBND tỉnh đề xuất với các tỉnh lân cận. Sở Nội vụ xem xét, tham mưu về vấn đề tuyển dụng nguồn nhân lực ngành y tế địa phương. Về điều trị, cần lập tức có trạm điều phối ngay tại các cơ sở cách ly. Sở Y tế nhanh chóng rà soát trang thiết bị tại các cơ sở điều trị để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh về việc mua sắm kịp thời, phục vụ công tác điều trị.  Hiện có doanh nghiệp trong tỉnh tình nguyện cho mượn khu nhà xưởng rộng khoảng 15.000 m2 để xây dựng bệnh viện dã chiến. Lãnh đạo tỉnh giao Sở Y tế khẩn trương tiến hành khảo sát và báo cáo tình hình cụ thể…

TTXVN/Báo Tin tức
Bắc Giang đang thiếu nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19
Bắc Giang đang thiếu nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19

Các chuyên gia nhận định, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Bắc Giang không sớm được ngăn chặn thì việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN