Tổng hợp COVID-19 ngày 19/5: Cách ly xã hội huyện Yên Phong (Bắc Ninh); giãn cách xã hội toàn thành phố Bắc Giang

Ngày 19/5, Việt Nam ghi nhận thêm 178 ca mắc COVID-19 mới. Cũng từ 14 giờ ngày 19/5, cách ly xã hội huyện Yên Phong (Bắc Ninh); giãn cách xã hội toàn thành phố Bắc Giang từ 15 giờ ngày 19/5 và từ 12 giờ ngày 20/5, Thái Bình kết thúc giãn cách xã hội; dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng đến ngành hàng không, đường sắt... là những tin nổi bật trong ngày 19/5.

Tính từ 18 giờ ngày 18/5 đến 18 giờ ngày 19/5, Việt Nam đã ghi nhận 178 ca mắc COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Theo đó, tính từ 18 giờ ngày 18/5 đến 6 giờ ngày 19/5, Việt Nam có thêm 31 ca mắc mới COVID-19. Trong đó, ngoài 1 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, 30 ca bệnh được ghi nhận trong nước tại các khu cách ly tập trung, khu vực bị phong toả của 4 tỉnh, thành phố.

Thông tin cụ thể các ca bệnh tại đây

Tính từ 6 giờ đến 12 giờ ngày 19/5, Việt Nam có thêm 36 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng được ghi nhận tại Bắc Giang (10 ca), Bắc Ninh (10 ca), Hà Nội (9 ca), Hải Dương (3 ca), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (1 ca), Điện Biên (1 ca), Thái Bình (1 ca), Vĩnh Phúc (1 ca).

Thông tin cụ thể các ca bệnh tại đây

Trong khi đó, tính từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 19/5, Việt Nam có thêm 111 ca mắc mới COVID-19. Trong đó, ngoài 2 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, 109 ca bệnh được ghi nhận trong nước tại 6 tỉnh, thành phố. 109 ca mắc ghi nhận trong nước tại tại Bắc Giang (78 ca), Bắc Ninh (21 ca), Điện Biên (6 ca), Đà Nẵng (2 ca), TP Hồ Chí Minh (1 ca), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (1 ca).

Thông tin cụ thể các ca bệnh tại đây.

Từ 14 giờ ngày 19/5, cách ly xã hội huyện Yên Phong, Bắc Ninh

Từ 14 giờ ngày 19/5, Bắc Ninh áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với huyện Yên Phong.

Trước diễn biến dịch phức tạp của dịch COVID-19, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, từ 14 giờ ngày 19/5, Bắc Ninh áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với huyện Yên Phong. Thời gian áp dụng đến hết ngày 21/5 để tập trung rà soát, xét nghiệm, khoanh vùng các trường hợp có nguy cơ cao đến từ vùng có dịch.

Ông Vương Quốc Tuấn khẳng định, việc áp dụng biện pháp này nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, tùy theo diễn biến tình hình dịch bệnh sẽ quyết định kéo dài thời gian phong tỏa cụ thể.

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện giãn cách xã hội đối với 7/8 đơn vị hành chính cấp huyện; trong đó, thành phố Bắc Ninh, huyện Thuận Thành và huyện Yên Phong áp dụng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Thị xã Từ Sơn và các huyện Tiên Du, Quế Võ, Lương Tài áp dụng theo Chỉ thị số 15/CT-TTg.

Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh tính từ ngày 5/5 đến trưa 19/5, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 336 ca mắc COVID-19. Trong đó, huyện Thuận Thành là địa phương có số có mắc cao nhất tỉnh với 277 ca.

Trong khi đó, trước tình hình dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp khi tại địa phương liên tiếp phát hiện số ca dương tính với SARS-CoV-2, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Chí Cường quyết định thành lập 7 chốt kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn.

Các chốt kiểm soát có nhiệm vụ kiểm soát 100% người đi từ vùng có dịch vào huyện Yên Phong, thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, lịch sử đi lại (khuyến khích sử dụng các hình thức khai báo điện tử); đối với các trưởng hợp đi từ vùng dịch theo thông báo của ngành y tế, chốt kiểm soát kiên quyết không cho vào địa bàn tỉnh, nếu cần phải vào sẽ thực hiện cách ly theo quy định.

Bên cạnh đó, các chốt sẽ kiểm soát hoạt động vận tải công cộng, bảo đảm 100% hành khách đeo khẩu trang, giãn cách trên xe theo quy định; đồng thời kiểm soát hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe khách, xe taxi.

Quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố Bắc Giang

Do số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tăng lên rất nhanh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố Bắc Giang từ 15 giờ ngày 19/5 theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tỉnh Bắc Giang quyết định thiết lập vùng cách ly y tế một phần các thôn Yên Khê, Song Khê 1 và Liêm Xuyên thuộc xã Song Khê; một phần tổ dân phố Dân Chủ, Lê Lợi, Nghĩa Long thuộc phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang.

Việc thực hiện quyết định này nhằm khoanh vùng, cách ly y tế, thực hiện giãn cách xã hội vùng có dịch, không để lây lan sang các khu vực khác trên địa bàn thành phố Bắc Giang và tỉnh Bắc Giang.

Tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Bắc Giang vẫn diễn biến phức tạp. Đến ngày 19/5, thành phố đã ghi nhận 22 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 ở các phường: Dĩnh Kế, Đa Mai, Ngô Quyền, Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn, Xương Giang; các xã Đồng Sơn, Song Khê, Dĩnh Trì, Tân Tiến, Tân Mỹ. Nguồn lây chủ yếu của các ca dương tính với SARS-CoV-2 là từ ổ dịch trong doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Song Khê – Nội Hoàng; ngoài ra còn có các trường hợp dương tính do liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, đi đến vùng có dịch Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh…

Triển khai bệnh viện dã chiến số 3 tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang

Chú thích ảnh
Trung tâm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lưu động công suất 10.000 mẫu/ngày tại Bắc Giang. Ảnh: TTXVN

Đánh giá tình hình dịch bệnh ở Bắc Giang trong những ngày tới sẽ còn diễn biến phức tạp, các ca mắc mới còn xuất hiện sau thời gian ủ bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chỉ đạo huy động sự tham gia của Bệnh viện Bạch Mai và các đơn vị tại địa phương khẩn trương triển khai cơ sở bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang.

Bệnh viện dã chiến tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang sẽ thu dung, tiếp nhận và điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân mắc COVID-19, giúp tăng cường công tác điều trị.

Theo ThS.BS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), 50 giường hồi sức tích cực (ICU) đang được lắp đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, đồng thời dự đoán trong thời gian tới sẽ còn có thêm các ca mắc mới, do vậy cần tăng cường thiết lập cơ sở y tế điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế đề xuất lấy một khối nhà mới vừa xây dựng xong của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang làm bệnh viện dã chiến. Đến trưa 19/5, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bắc Giang đang gấp rút hoàn thiện cơ sở vật chất cho tòa nhà 5 tầng với quy mô 200 giường nhằm tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2.

Như vậy, đây sẽ là bệnh viện dã chiến thứ 3 được thiết lập tại Bắc Giang.

Từ 12 giờ ngày 20/5, Thái Bình kết thúc giãn cách xã hội

Từ 12 giờ ngày 20/5, tỉnh Thái Bình sẽ kết thúc giãn cách xã hội đối với một số hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh.

Đây là thông tin được Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thái Bình với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

Theo Sở Y tế tỉnh Thái Bình, từ ngày 6/5 đến sáng 19/5, tỉnh Thái Bình đã ghi nhận 17 ca mắc COVID-19, tất cả đều kiểm soát được nguồn lây. Hiện, tỉnh Bình xác định và kiểm soát chặt 7 ổ dịch xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 5 huyện, thành phố (Thái Thụy, Kiến Xương, Quỳnh Phụ, Vũ Thư, Thành phố Thái Bình) và 2 bệnh viện (Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình).

Trước đó, sau khi ghi nhận 5 ca dương tính với SARS-CoV-2 lây nhiễm trong cộng đồng vào ngày 6/5, tỉnh Thái Bình thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với một số hoạt động trên địa bàn, đồng thời thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất tại các công ty, xí nghiệp, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện truy vết, cách ly, xét nghiệm, điều trị. Trong đó, ngành chức năng phải điều tra kỹ, truy vết triệt để, không để mất dấu ca dương tính, sót lọt các F1, F2. Các huyện, thành phố, cơ sở cách ly tập trung thực hiện nghiêm các quy định đối với trường hợp thuộc diện cách ly, theo dõi, giám sát y tế, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo, buông lỏng quản lý trong các khu cách ly tập trung. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình giao ngành y tế chủ động nghiên cứu đối tượng, phạm vi cần lấy mẫu xét nghiệm để kiểm soát nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng.

Đà Nẵng sẽ triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 trên toàn thành phố

Ngày 19/5, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 18/5 đến 13 giờ ngày 19/5, Đà Nẵng ghi nhận thêm hai trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2. Chị C.T.N, (sinh năm 1990, trú tại Chung cư E83, ngã ba Lý Tử Tấn và Lê Đức Thọ, Sơn Trà, Đà Nẵng) là nhân viên y tế Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Chị N. được Trung tâm Y tế quận Sơn Trà lấy mẫu xét nghiệm dịch hầu họng tại Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp này chưa xác định được nguồn lây. Trường hợp thứ 2 là F1 của bệnh nhân N.T.N (bệnh nhân 3545) được cách ly trước đó.

Trong ngày 19/5, Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 31.451 lượt người. Đây là con số lấy mẫu xét nghiệm cao kỷ lục trong một ngày của thành phố Đà Nẵng.

Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) nhận định, các trường hợp mắc COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng, đa số đều xuất phát từ quận Sơn Trà. Do vậy, nguy cơ mầm bệnh vẫn còn tiềm ẩn tại khu vực này. Bác sĩ Thạnh đề nghị thành phố Đà Nẵng cần lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ hộ dân trên địa bàn quận Sơn Trà.

Tính đến thời điểm này, CDC Đà Nẵng đã gửi 11 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các ổ dịch trên địa bàn thành phố ra Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để giải trình tự gen. Kết quả giải trình tự gen cho thấy, tất cả 11 mẫu bệnh phẩm này đều là biến chủng được phát hiện tại Anh. Trường hợp hai bệnh nhân 3633 và 3634 mắc COVID-19 là hai vợ chồng ở Hà Nội từng đi du lịch Đà Nẵng từ ngày 30/4 - 2/5/2021 được phân tích giải trình gene thuộc biến chủng lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Cảnh giác cao độ, sẵn sàng 'trực chiến' khi dịch đã ở trong cộng đồng

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN

Chiều 19/5, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, các lực lượng chức năng đang tập trung toàn lực dập dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Đồng thời, tất cả các địa phương khác cần cảnh giác cao độ, sẵn sàng “trực chiến”, vì dịch bệnh đã ở trong cộng đồng; khi phát hiện ca mắc cần ra quân, khoanh vùng, cách ly ngay lập tức, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm nhanh nhất có thể.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ ngày 27/4/2021 đến nay ghi nhận 1.647 ca mắc COVID-19 trong nước, tại 28 tỉnh/thành phố. Trong đó, Bắc Giang ghi nhận nhiều nhất là 605 ca, Bắc Ninh ghi nhận 353 ca, Hà Nội ghi nhận 256 ca, Đà Nẵng ghi nhận 146 ca, Vĩnh Phúc ghi nhận 88 ca... Các trường hợp mắc mới hầu hết là trường hợp tiếp xúc gần (F1), đã được cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa.

Bộ Y tế liên tiếp tổ chức các Đoàn công tác do Bộ trưởng, Thứ trưởng đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, Bệnh viện dã chiến ở hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và làm việc với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tăng tốc xét nghiệm, lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu, xét nghiệm toàn bộ công nhân ở khu công nghiệp có nguy cơ cao, xét nghiệm sàng lọc các khu vực tập trung nhiều nhà trọ của công nhân.

Lao động ngành hàng không, đường sắt lao đao mất việc

Chú thích ảnh
Dịch COVID-19 bùng phát, máy bay nằm tại cảng vì hành khách sụt giảm. Ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, tiếp diễn phức tạp làm đảo lộn các cơ hội phục hồi của ngành hàng không và đường sắt. Đời sống, thu nhập của người lao động vốn đang "ngắc ngoải" vì các đợt dịch trước, nay càng thêm lao đao chưa có hồi kết và nếu không được hỗ trợ kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nhân lực phát triển ngành sau dịch.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện tiếp viên hàng không của các hàng hàng không nội địa Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways đều chia sẻ, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này diễn biến phức tạp trở lại, số chuyến bay nội địa đều giảm sốc, tiếp viên các hãng hiện nay chỉ có khoảng 10% được bay, còn lại nghỉ luân phiên.

Cục Hàng không Việt Nam qua rà soát tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, số lượng hành khách sụt giảm mạnh, có ngày cảng chỉ đón khoảng 9.000 lượt khách, bằng 1/9 ngày cao điểm và chỉ bằng 1/5 so với ngày thường.

Đơn cử thống kê, ngày 29/4/2021, Vietnam Airlines khai thác hơn 420 chuyến bay và vận chuyển 70.000 khách, đến ngày 15/5, con số này chỉ còn 45 chuyến bay, 6.000 khách; Vietjet Air khai thác 366 chuyến bay, vận chuyển 60.000 khách, chỉ còn 61 chuyến bay, 8.000 khách; Bamboo Airway, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và VASCO còn bi đát hơn.

Chỉ cách đây 2 tháng, ngành Hàng không cho thấy những dấu hiệu phục hồi tốt sau đợt dịch lần 3 và đưa ra dự báo khả quan năm 2021, nhưng đến thời điểm này, doanh thu các hãng hàng không lại lao dốc, giảm sâu so với năm 2019 và có thể lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng từ vận tải và chưa thấy khả năng được kiểm soát.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, Cục đang đề xuất Bộ GTVT và Chính phủ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh ảnh hưởng chung bởi dịch bệnh của cả nền kinh tế, không riêng gì doanh nghiệp hàng không, nên ngành phải cố gắng cầm cự.

Ngành Đường sắt cũng trong tình trạng tương tự khi liên tục thông báo dừng chạy các đôi tàu tuyến Bắc Nam, chỉ còn duy trì hai đôi tàu Thống Nhất và trước đó, đã dừng hàng loạt đoàn tàu chạy nhiều tuyến khác.

Ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, năm 2020, đơn vị đã phải giải quyết tạm hoãn hợp đồng lao động, cho nghỉ việc do thiếu việc làm bình quân khoảng 600 người/tháng, chấm dứt hợp đồng với 280 người. 4 tháng đầu năm nay tiếp tục cho nghỉ bình quân khoảng 550 người/tháng, chấm dứt hợp đồng với 66 người.

Từ đầu năm 2021 đến nay, do không có nguồn hỗ trợ, công ty chỉ trả lương ngừng việc đối với người lao động phải ngừng việc do chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh phải cách ly y tế, còn lại phải thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không hưởng lương…

Người tố giác đối tượng nhập cảnh trái phép được thưởng 10 triệu đồng

Ngày 19/5, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành văn bản phát động phong trào toàn dân tích cực tố giác các đối tượng nhập cảnh trái phép, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cá nhân nào phát hiện, tố giác đối tượng nhập cảnh trái phép sẽ được thưởng 10 triệu đồng.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng. Thời gian qua, lực lượng chức năng của tỉnh cũng phát hiện nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép, đây là đối tượng có nguy cơ mang mầm bệnh, nguồn lây nhiễm dịch COVID-19 rất nguy hiểm và khó kiểm soát, dễ dẫn đến bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng, đồng thời tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh trật tự.

Do đó, để chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các đối tượng nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh, phục vụ tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh Đồng Nai đã phát động phong trào "Toàn dân nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chủ động, tích cực phát hiện, tố giác người nhập cảnh trái phép".

Theo phong trào, người đầu tiên phát hiện, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho các cơ quan chức năng xử lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào địa bàn hoặc người Việt Nam nhập cảnh trái phép vào địa bàn tỉnh mà không khai báo (hoặc nghi ngờ là đối tượng nhập cảnh trái phép); người tổ chức, môi giới cho người xuất cảnh, nhập cảnh ở lại Việt Nam trái phép sẽ được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen và số tiền thưởng 10 triệu đồng. Nguồn kinh phí được trích từ quỹ phòng, chống tội phạm của lực lượng công an.

M.T/Báo Tin tức (tổng hợp)
Tổng hợp COVID-19 ngày 18/5: 'Trực chiến' chống dịch; thêm 153 ca mắc mới
Tổng hợp COVID-19 ngày 18/5: 'Trực chiến' chống dịch; thêm 153 ca mắc mới

Những thông tin thời sự về dịch COVID-19 ngày 18/5 thu hút sự quan tâm của dư luận: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải luôn trong trạng thái 'trực chiến' chống dịch COVID-19; Việt Nam ghi nhận thêm 153 ca mắc COVID-19; TP Hồ Chí Minh yêu cầu các KCN, KCX ký cam kết phòng chống dịch COVID-19; Hà Nội tìm người đã đi trên chuyến xe bus có bệnh nhân COVID-19; Bắc Giang dồn toàn lực chống dịch COVID-19; phong tỏa và giãn cách xã hội TP Bắc Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN