Hai địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết nhiều nhất là thành phố Đông Hà (260 ca), huyện Triệu Phong (213 ca). Trong đó, ở thành phố Đông Hà một số địa phương có nhiều ca mắc sốt xuất huyết như: Phường 5 (57 ca), Đông Lễ (50 ca), Phường 1 (46 ca), Phường 3 (46 ca); ở huyện Triệu Phong có xã Triệu Lăng (54 ca) và thị trấn Ái Tử (42 ca)… Đến nay, 9/10 huyện thị, thành phố của tỉnh đều có người mắc sốt xuất huyết. Toàn tỉnh đã có 83 ổ dịch, trong đó 14 ổ dịch đang hoạt động ở 6 huyện thị, thành phố.
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, thời tiết đang có những diễn biến thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sản và phát triển, nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Để ngăn chặn dịch bệnh gia tăng, Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra tại những địa bàn trọng điểm như ở thành phố Đông Hà, huyện Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ; yêu cầu các địa phương tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diện rộng những khu vực xuất hiện ổ dịch và khu vực nguy cơ cao.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cũng có công văn đề nghị Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Cụ thể, tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết; các biện pháp xử lý ổ dịch phải được triển khai trong vòng 48 giờ kể từ khi ổ dịch được xác định, thực hiện đầy đủ và kịp thời các biện pháp chuyên môn theo quy định hướng dẫn của Bộ Y tế; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, diễn biến ổ dịch để có biện pháp khống chế kịp thời khi có lây lan.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật hỗ trợ Trạm Y tế triển các hoạt động phòng, chống dịch; tham mưu kịp thời cho UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo, huy động các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng, cùng với ngành Y tế triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ của các xã, phường, thị trấn. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống, dịch trên địa bàn. Các địa phương cần triển khai hiệu quả công tác phát hiện người mắc các bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng; hướng dẫn để người dân chủ động thông báo ngay khi phát hiện bản thân, người nhà mắc, nghi mắc sốt xuất huyết.
Ngành Y tế tỉnh tăng cường đào tạo, tập huấn, chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực giám sát, chẩn đoán, điều trị; giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch, đẩy mạnh giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Ngành tổ chức tốt việc phân luồng, thu dung, cấp cứu, cách ly, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị hiệu quả các ca bệnh, tránh lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất tử vong.
Bác sĩ Lê Đức Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho rằng, công tác phòng, chống sốt xuất huyết chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của người dân. Việc diệt bọ gậy, loại bỏ những yếu tố có thể tạo điều kiện cho muỗi sinh sản; người dân tự bảo vệ để không bị muỗi chích như ngủ phải mắc màn là những cách phòng, chống dịch cần thiết và hiệu quả nhất.
Bác sĩ Lê Đức Dũng lưu ý những đối tượng có nguy cơ biến chứng do sốt xuất huyết là người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền; ngoài ra những trường hợp sốt cao, mệt mỏi, ăn uống kém, bệnh nhân sốt cao, nhưng hạ sốt đột ngột cũng cần chú ý theo dõi. Khi người bệnh sốt cao liên tục trong nhiều ngày, đau cơ và khớp, phát ban…cần khẩn trương đến khám tại cơ sở y tế; không được tự ý điều trị bằng thuốc giảm đau, uống thuốc hạ sốt không theo chỉ dẫn của bác sỹ sẽ dẫn tới biến chứng nặng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.