Báo cáo tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên cho biết, đến 8 giờ ngày 6/7, tỉnh ghi nhận 301 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tại 7/9 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có một ca tử vong do tuổi cao, có di chứng tai biến mạch máu não.
Tại Phú Yên xuất hiện 3 nguồn lây nhiễm, trong đó nguồn lây nhiễm chính, phần lớn các ca bệnh tại tỉnh đều liên quan đến bệnh nhân số 13960 (chủ quán cơm Yến Nam, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, ca bệnh này trước đó có tiếp xúc gần với ca bệnh số 12190 tại TP Hồ Chí Minh).
Phú Yên đã truy vết được 3.050 trường hợp F1 và 9.801 F2. Tỉnh đã thiết lập 4 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 100 giường/bệnh viện; 3 cơ sở cách ly tập trung của tỉnh với sức chứa khoảng 800 người; 43 cơ sở cách ly tập trung tuyến huyện với gần 3.000 giường. Phú Yên đã xây dựng kế hoạch bảo đảm giường cách ly tập trung cho 7.000 người.
Đến nay, năng lực xét nghiệm của tỉnh đã được nâng lên đạt 3.000 mẫu/ngày. Tỉnh đã triển khai 3 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 25.802 người, trong đó 574 người tiêm đủ 2 mũi.
Bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc cho biết thêm, nhờ sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của cả hệ thống chính trị với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cùng các nguồn lực hỗ trợ, chi viện kịp thời từ Bộ Y tế, Quân khu V, Sở Y tế Khánh Hòa, Trường Đại học Kỹ thuật Y dược Đà Nẵng và các cơ quan, đơn vị, Phú Yên đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, tỉnh gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân thực hiện truy vết, lấy mẫu; thiếu đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa nhiễm, chuyên khoa xét nghiệm vi sinh; kinh nghiệm trong xử lý tình huống có dịch lây lan nhanh, mạnh trong cộng đồng còn yếu. Ngoài ra, tỉnh cũng gặp khó khăn trong xử lý rác thải y tế.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Phú Yên cần làm tốt việc phát hiện sớm ca bệnh, kể cả ca nghi ngờ, thực hiện cách ly nhanh, ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng, tiến hành khoanh vùng rộng, phong tỏa gọn, quản lý chặt người trong khu phong tỏa, hạn chế nguy cơ lây chéo ở khu phong tỏa.
Phú Yên thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ"; nắm bắt chính xác tình hình, đánh giá, dự báo nguy cơ theo 4 mức bình thường, nguy cơ, nguy cơ cao và rất cao. Các địa phương cần phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng; tổ chức cho 100% số hộ gia đình ký cam kết chấp hành nghiêm phòng, chống dịch, nếu hộ nào vi phạm cần xử lý nghiêm.
Về lấy mẫu, xét nghiệm, Phú Yên cần làm tốt công tác xét nghiệm sàng lọc đối với khu vực có nguy cơ cao đặc biệt trong các bệnh viện, không những xét nghiệm cho ca bệnh mà thực hiện xét nghiệm cho nhân viên y tế, đội ngũ hỗ trợ thực phẩm, tránh để lây nhiễm chéo từ bệnh nhân ra nhân viên trong bệnh viện.
Ngoài ra, tất cả hộ dân trong khu phong tỏa cần được lấy mẫu xét nghiệm, theo hình thức mẫu đơn hoặc mẫu gộp. Công tác lấy mẫu cần chọn lọc ưu tiên khu vực có nguy cơ cao, sàng lọc ngoài cộng đồng. Phú Yên cần huy động thêm nguồn lực nâng cao năng lực xét nghiệm đảm bảo thực hiện được 5.000 mẫu đơn/ngày... Đặc biệt, tỉnh cần thống nhất CDC Phú Yên là đơn vị duy nhất điều phối chung xét nghiệm trên địa bàn.
Về điều trị bệnh nhân COVID-19, Phú Yên không nên thu dung điều trị cho các ca mắc tại tất cả các huyện. Tỉnh cần cân đối việc thu dung điều trị tại một số địa phương, tận dụng nguồn lực cơ sở vật chất, nhân lực y tế tại chỗ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh phải có 10 giường bệnh điều trị bệnh nhân rất nặng, đội ngũ y, bác sĩ được tập huấn thành thạo điều trị bệnh nhân nặng về COVID-19. Ngoài ra, Bệnh viện cần hỗ trợ các bệnh viện dã chiến và bệnh viện tuyến huyện, thành lập trung tâm điều trị, hội chuẩn bệnh nhân nặng.
Về cách ly y tế, Phú Yên cần chuẩn bị sẵn sàng các khu cách ly đảm bảo năng lực cách ly từ 10.000 chỗ trở lên (tận dụng tối đa các cơ sở quân đội, trường học, thành lập ban quản lý trong khu cách ly, phân công trách nhiệm quản lý, kiên quyết không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly).
Về phòng dịch trong khu công nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, nếu xảy ra ca bệnh trong khu công nghiệp cần phong tỏa nhà máy, truy vết các F1, F2, đồng thời sàng lọc phong tỏa trên diện hẹp tại từng phân xưởng, đảm bảo cho doanh nghiệp sản xuất bình thường.
Ban Quản lý các khu Kinh tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và doanh nghiệp nhỏ lẻ theo thẩm quyền. Bên cạnh đó chú trọng kiểm tra kế hoạch, phương án tổ chức phòng, chống dịch trong khu công nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp, công nhân ký cam kết về về phòng, chống dịch. Doanh nghiệp nào không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch cần kiên quyết cho tạm dừng sản xuất.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, Phú Yên chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến dịch tiêm chủng vaccine, trong đó chú trọng xác định điểm tiêm chủng, tập huấn chuyên môn các tổ khám sàng lọc, tiêm chủng, thiết lập tổ cấp cứu sốc phản vệ sau tiêm chủng từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện. Phú Yên cần giữ vững được các thành trì trụ sở công sở chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, cơ sở cách ly, chăm sóc điều trị cho bệnh nhân, cơ sở bảo trợ xã hội, chợ...
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Y tế đã trao hỗ trợ phần mềm tổng hợp, phân tích và báo cáo tình hình dịch bệnh cho Phú Yên. Phần mềm sẽ hỗ trợ tỉnh trong chuẩn hóa dữ liệu, biểu mẫu báo cáo, số ca mắc trong cộng đồng, F1, F2, diễn biến tại các địa phương. Cùng với thực hiện thông điệp 5K, vaccine và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ góp phần hỗ trợ Phú Yên trong phòng, chống dịch.
Trước đó, chiều 5/7, Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Khu cách ly tập trung Trung đoàn Bộ binh 888, phường Phú Đông (thành phố Tuy Hòa), Bệnh viện dã chiến thị xã Đông Hòa, chốt phong tỏa khu vực có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại khu phố 1, phường 1 (thành phố Tuy Hòa) và kiểm tra khu chăm sóc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.