Về dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, Sở Y tế theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trong nước và trên địa bàn; chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng và hạn chế xảy ra các trường hợp chuyển nặng, tử vong. Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên kiểm tra, giám sát triển khai phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục; hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thường xuyên khử khuẩn, rửa tay sạch, đeo khẩu trang nơi công cộng…
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dịch bệnh tại cộng đồng có các trường hợp nhập cảnh hoặc từ địa phương khác về từ các khu vực bùng phát dịch, từ các nơi xuất hiện các biến thể mới, nguy hiểm của virus SARS-CoV-2; phát hiện kịp thời, tổ chức triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không để dịch lây lan, bùng phát. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cho người dân; đẩy mạnh tiêm chủng vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Về bệnh Marburg, Sở Y tế tỉnh đã đưa ra ba tình huống để các đơn vị nắm rõ, sẵn sàng ứng phó trong từng tình huống với mục tiêu phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.
Cụ thể, tình huống chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh, tỉnh sẽ kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng, chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các địa phương, đơn vị; giám sát chặt chẽ hành khách tại Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y, thực hiện việc kiểm tra, sàng lọc nhằm phát hiện các trường hợp sốt thông qua sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa, đặc biệt lưu ý các trường hợp đến, ở, về từ vùng có ổ dịch Marburg.
Tình huống có trường hợp mắc bệnh xâm nhập vào địa bàn, Kon Tum sẽ kích hoạt Đội đáp ứng nhanh (RRT) các tuyến; tiến hành cách ly, điều trị và xử lý chất dịch đối với người bệnh; lập danh sách, theo dõi sức khỏe trong thời gian 3 tuần kể từ khi phơi nhiễm cho những người tiếp xúc trực tiếp hay cùng sống với người bệnh từ trước khi phát bệnh 5 ngày; phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mới phát bệnh để có thể cách ly, điều trị…
Với tình huống bệnh Marburg lây lan trong cộng đồng, địa phương sẽ tăng cường hoạt động của Đội đáp ứng nhanh; triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới, thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc; tăng cường giám sát các chùm ca bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan; duy trì việc giám sát tại cửa khẩu để giảm nguy cơ các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh hoặc xuất cảnh. Các đơn vị y tế chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân; huy động nguồn nhân lực, vật lực (trang thiết bị, thuốc, vật tư…) cho các đơn vị điều trị, tổ chức các bệnh viện dã chiến…
Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh, kể từ đầu dịch COVID-19 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận trên 30.700 ca mắc, không có ca tử vong và và chưa ghi nhận ca mắc do biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Hiện, địa bàn chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh Marburg.