Phó Thủ tướng yêu cầu Đồng Tháp phải thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Đồng Tháp đã thực hiện biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được 4 ngày) với quyết tâm thật cao, nghiêm ngặt, đảm bảo giãn cách theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, khóm/ấp cách ly với khóm/ấp, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn, huyện/thành phố cách ly với huyện/thành phố. Đồng Tháp cần phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể trong việc tuần tra, nhắc nhở và tuyên truyền để bà con hiểu, chia sẻ và đồng thuận; đồng thời, ngành chức năng tăng cường tuần tra, xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm ở vòng trong, bao vây vòng ngoài để đảm bảo truy vết, tránh làm tràn lan. Khi xác định ca mắc cần truy vết nhanh, khoanh vùng và dập dịch nhanh. Điều quan trọng là phải đảm bảo biện pháp 5K, phòng ngừa xã hội và chiến lược hàng đầu là vaccine.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, "năng lực của Đồng Tháp còn yếu, còn nhiều khó khăn về trang thiết bị, nhân lực, sinh phẩm, Bộ Y tế đã tăng cường hỗ trợ cho địa phương, cho nên, cần tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng hỗ trợ phòng, chống dịch với các địa phương". Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cần có kế hoạch nâng cao năng lực xét nghiệm, tiêm chủng, cách ly; linh hoạt trong việc áp dụng hình thức cách ly tại nhà đối với F1 và xem xét cả F0 (không triệu chứng) và có sự giám sát chặt chẽ. Tại các doanh nghiệp thực hiện phương châm 3 tại chỗ phải được kiểm tra, giám sát thường xuyên, nếu không đủ điều kiện an toàn phòng chống dịch phải cho tạm dừng ngay. Yêu cần phải thực hiện khai báo y tế, phân luồng, giãn cách, khử khuẩn,… bảo vệ sản xuất trong doanh nghiệp; Khi xuất hiện ca nhiễm phải phát hiện nhanh, xử lý nhanh, không để phát sinh thành ổ dịch lớn. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh Đồng Tháp cần tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phòng, chống dịch, thực hiện tốt công tác an sinh, xã hội, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, khó khăn, nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, trước tình hình diễn biến phức tạp như hiện nay, bằng mọi giải pháp tỉnh Đồng Tháp phải nâng công suất xét nghiệm lên 3.000 mẫu đơn/ngày và tối đa 30.000 mẫu gộp/ngày. Đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh áp dụng cho những trường hợp sàng lọc và có thể gộp từ 3 – 5 mẫu. Ngoài ra, tỉnh cần khẩn trương hoàn tất thiết lập đơn vị hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực ICU trong bệnh viện; thực hiện các chỉ đạo theo Công văn 5599/BYT-MT của Bộ Y tế về giảm thời gian cách ly, thí điểm cách ly y tế F1 tại nhà, quản lý điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong điều trị, tỉnh cần hội chẩn, kết nối với các chuyên gia của Bộ Y tế và các bệnh viện trung tâm của vùng; có biện pháp tránh lây chéo giữa thầy thuốc – người bệnh. Mặt khác, cần nâng cao năng lực cách ly tập trung. Đối với doanh nghiệp, cần phải có kế hoạch phòng, chống dịch, thực hiện xét nghiệm nhanh và có phương án xử lý khi có F0 theo hướng dẫn của ngành y tế,…
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong nhận định tình hình diễn biến dịch tại Đồng Tháp còn khá phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh trong thời gian qua là do xuất hiện các trường hợp lây nhiễm trong các nơi tập trung đông người như doanh nghiệp, bệnh viện. Dự báo, tỉnh sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới do mầm bệnh đang lưu hành trong cộng đồng. Đồng Tháp đã chuẩn bị phương án chuẩn bị các bệnh viện dã chiến, các cơ sở điều trị có khả năng thu dung, điều trị 3.060 giường (trong đó có 150 giường hồi sức cấp cứu) với 3 mức độ: bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ; bệnh nhân có triệu chứng trung bình và bệnh nhân nặng. Ngoài ra, chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận hơn 18.000 giường cách ly tập trung. Tỉnh cũng đang siết chặt, giám sát tại khu cách ly, không để lây nhiễm chéo.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong cho biết, Đồng Tháp đã thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ 0 giờ ngày 14/7; đồng thời yêu cầu doanh nghiệp chỉ hoạt động khi đảm bảo nguyên tắc 3 tại chỗ: Sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ; nếu không đảm bảo thì buộc tạm dừng hoạt động ngay. Sắp tới, Đồng Tháp chủ trương thực hiện xét nghiệm RT-PCR cho tất cả công nhân tại các cơ sở đang hoạt động để đảm bảo doanh nghiệp “sạch”.
Về năng lực xét nghiệm, hiện nay, Đồng Tháp có 3 đơn vị xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 với công suất 2.000 mẫu đơn/ngày, khoảng 10.000 mẫu gộp/ngày. "Mục tiêu lớn nhất hiện nay là phải khống chế dịch, trong đó giảm sâu số ca mắc, số ca chuyển biến nặng và số ca tử vong liên quan COVID-19", Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong nhấn mạnh.
Tính từ ngày 24/6 đến 18 giờ ngày 16/7/2021, Đồng Tháp ghi nhận 1.041 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 25 trường hợp tử vong, 1.018 trường hợp đang điều trị; truy vết được 3.335 trường hợp F1 và 8.211 trường hợp F2. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 ổ dịch lớn (bệnh viện Đa khoa Sa Đéc với 479 ca mắc, tại huyện Châu Thành với 226 ca mắc và 234 ca tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh) và 4 ổ dịch nhỏ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh ngày càng nhiều và tại nhiều địa phương, nhiều ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát và chưa tìm được nguồn lây. Đặc biệt, tỉnh đã phát hiện nhiều ổ dịch trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh với số lượng công nhân đông, cư trú nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Số ca tử vong nhiều, phần lớn người lớn tuổi, có bệnh nền, năng lực hồi sức cấp cứu khó đáp ứng nhu cầu, người bệnh có triệu chứng ngày càng nhiều.
Mặc dù Đồng Tháp bảo đảm về số lượng máy xét nghiệm RT-PCR và nhân lực xét nghiệm, tuy nhiên, nguồn cung cấp hóa chất, sinh phẩm đang khan hiếm, Đồng Tháp sẽ khó bảo đảm việc truy vết, xét nghiệm khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng. Do đó, tại buổi làm việc, Đồng Tháp kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ thiết lập đơn vị hồi sức cấp cứu; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc người bệnh; tăng số lượng vaccine phân bổ cho tỉnh; kiến nghị Bộ Quốc phòng đồng ý cho Đồng Tháp sử dụng một số doanh trại quân đội đóng trên địa bàn làm bệnh viện dã chiến trong tình huống khẩn cấp; chỉ đạo lực lượng quân sự trực tiếp quản lý, bảo đảm về hậu cầu, phục vụ tại các cơ sở cách ly tập trung.
Trước đó, Đoàn công tác của Phó Thủ tướng đã kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (doanh nghiệp thuỷ sản lớn nhất của tỉnh với quy mô hơn 2.000 công nhân) và khu cách ly tập trung tại phường Hoà Thuận, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.