Gần hai tuần qua, mỗi ngày, Đồng Tháp có từ 500 đến trên 600 ca mắc COVID-19. Do số ca mắc tăng cao, một số địa phương đã mạnh dạn thực hiện điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số địa phương còn chậm triển khai thực hiện quy trình điều trị F0 tại nhà dù tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn.
Ông Phan Văn Thắng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu, trong bối cảnh hiện nay, các địa phương trong tỉnh cần nhanh chóng thực hiện phân loại, theo dõi, điều trị tại nhà đối với những F0 đủ điều kiện theo quy định; cần tránh trạng thái sợ, không dám áp dụng điều trị F0 tại nhà.
Hiện nay, ngành Y tế tỉnh đã phân loại đối tượng F0 trước khi đưa đến nơi thu dung, điều trị phù hợp với tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, việc phân loại chủ yếu dựa vào thông tin F0 cung cấp nên đôi khi không chính xác. Có trường hợp F0 sợ bệnh diễn tiến nặng, khai báo quá mức để được chuyển lên tuyến huyện hoặc tỉnh điều trị, gây tình trạng quá tải cho tuyến trên; có trường hợp giấu bớt bệnh để được điều trị tại nhà.
Trước tình trạng này, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo, lực lượng y tế phân loại đối tượng F0 phải kịp thời, đúng và trúng. Để đảm bảo yêu cầu này, cần kiểm tra, phân loại kỹ F0 tại đơn vị chuyển bệnh và đơn vị tiếp nhận bệnh nhân COVID-19; qua đó, đảm bảo tính hiệu quả trong phân tầng điều trị F0; giảm tình trạng quá tải ở tầng 2 và 3.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong lưu ý các ngành, địa phương quan tâm cấp phát kịp thời túi thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 cho đối tượng F0 đang điều trị tại nhà. Điều này vừa giúp bệnh nhân có thuốc hỗ trợ trị bệnh, vừa tạo tâm lý an tâm cho họ. Việc đi phát túi thuốc không nhất thiết chỉ dành cho nhân viên ngành y tế, các lực lượng khác đều có thể tham gia
Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu ngành chức năng phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của các bệnh nhân COVID-19 đang cách ly, điều trị tại tuyến huyện, xã và tại nhà. Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, nếu không theo dõi kịp thời sức khỏe của F0 sẽ dẫn đến tình trạng bỏ sót thông tin, xử lý tình huống chậm. Việc phân tầng điều trị, nhất là trong theo dõi, điều trị tại nhà không có nghĩa là buông lỏng khâu theo dõi sức khỏe F0.
Ngày 3/12, Đồng Tháp ghi nhận 608 ca mắc COVID-19. Cả hệ thống chính trị tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là nâng cao hiệu quả điều trị F0 và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng bệnh. Đến nay, dân số của tỉnh Đồng Tháp từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine mũi 1 đạt 98,74%, mũi 2 đạt 73,94% và 84,8% người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19.