Cần Thơ triển khai nhiều phương án điều trị bệnh nhân COVID-19

Thời gian qua, ở thành phố Cần Thơ, số ca mắc COVID-19 liên tục tăng, trường hợp bệnh nhân chuyển nặng tăng vượt khả năng điều trị của các cơ sở y tế tầng 2, tầng 3.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Lê Thuấn Kiệt, Trạm y tế xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai phát thuốc cho bệnh nhân F0 đang cách ly, điều trị tại nhà, ngày 30/11/2021. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN

Trước tình hình trên, thành phố Cần Thơ đang tập trung triển khai nhiều giải pháp, nguồn lực điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở tầng 2, tầng 3 và triển khai thêm các giải pháp điều trị F0 ở tầng 1.

Trao đổi thêm với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về các giải pháp trên, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, đối với công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, hiện thành phố đang yêu cầu tất cả các bệnh viện ở quận, huyện lắp đặt bồn oxy lỏng phục vụ điều trị COVID-19. Đồng thời, khôi phục, kích hoạt lại một số bệnh viện dã chiến và mở rộng thêm bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị các bệnh nhân không đủ điều kiện cách ly ở nhà (người ở trọ, người ở các tỉnh khác...).

Cụ thể, các quận, huyện đều phải có bệnh viện dã chiến. Các bệnh viện dã chiến này được chuyển đổi từ các khu cách ly (trước đây cách ly người F1) thành bệnh viện dã chiến cách ly, điều trị F0 (không triệu chứng, bệnh nhẹ). Tại các khu cách ly, đội ngũ bác sĩ, y tế lưu động tại xã theo dõi để cấp phát thuốc, theo dõi sức khỏe hằng ngày cho bệnh nhân. Nếu xảy ra trường hợp F0 chuyển nặng thì kịp thời chuyển lên bệnh viện tầng 2, tầng 3.

Thành phố cũng kích hoạt trở lại Bệnh viện dã chiến số 1 (Trường Chính trị) quy mô 400 giường và chuyển Khu 1 (Trường Đại học Cần Thơ) thành bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị cho bệnh nhân tầng 1 không có khả năng cách ly, điều trị tại nhà. Riêng Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung tâm Hội chợ thành phố có quy mô 600 giường sẽ được chuyển thành Bệnh viện điều trị bệnh nhân ở tầng 3. Hiện thành phố đang cho lắp đặt trạm oxy hóa lỏng, mượn giường hồi sức cấp cứu từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương về để trang bị đầy đủ thiết bị trước khi đưa vào vận hành.

Trước tình trạng quá tải ở các cơ sở y tế điều trị bệnh COVID-19 tầng 2, tầng 3, UBND thành phố Cần Thơ đã có văn bản đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương hỗ trợ địa phương máy móc, thiết bị trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong hai ngày qua, Cần Thơ được Thành phố Hồ Chí Minh cho mượn 100 giường dùng cấp cứu, hồi sức và 5 máy thở xâm lấn; Bộ Y tế hỗ trợ 50 máy thở HFNC và 80 máy thở xâm lấn để bổ sung, phân bổ cho các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tầng 2, tầng 3.

Ngoài trang bị các điều kiện hỗ trợ cho các bệnh viện tổ chức thu dung, điều trị người nhiễm bệnh ở tầng 2, tầng 3, thành phố Cần Thơ cũng triển khai phát thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 cho các F0 ở tầng 1 (đang cách ly, điều trị tại nhà) để giảm bệnh nhân chuyển nặng từ tầng 1 lên tầng 2, tầng 3.

Thành phố đã triển khai 2.000 liều thuốc điều trị COVID-19 cho người bệnh F0 sử dụng và tiếp tục xin Bộ Y tế cấp thêm 180.000 liều thuốc Molnupiravir.

"Theo kinh nghiệm thực tế ở các địa phương khác, người mắc COVID-19 trong giai đoạn từ 1 - 5 ngày, uống thuốc điều trị COVID-19 sẽ âm tính trong vòng 4 - 5 ngày. Thuốc điều trị sẽ góp phần giảm tỷ lệ người bệnh ở tầng 1 (cách ly, điều trị tại nhà) chuyển nặng lên tầng 2, tầng 3, góp phần giảm thiểu tối đa người tử vong và giảm bớt gánh nặng, áp lực cho các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 2, tầng 3", ông Dương Tấn Hiển cho biết.

Ngoài việc được Bộ Y tế hỗ trợ thuốc, các địa phương khác hỗ trợ máy móc, thiết bị, trong ngày 6/12, Bộ Quốc phòng đã cử lực lượng quân y gồm 39 bác sĩ, điều dưỡng tiếp sức cho Cần Thơ phòng, chống dịch. Trong ngày 7/12, Bộ Y tế cũng cử ekip y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) xuống tư vấn, hỗ trợ, điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Cần Thơ. Đồng thời, phân công Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ hỗ trợ Cần Thơ phòng, chống dịch.

Theo ông Dương Tấn Hiển, số ca nhiễm ở Cần Thơ những ngày qua tăng rất nhanh, trong 5 ngày gần đây (2/12 - 6/12) số ca mắc ghi nhận mỗi ngày xấp xỉ 1.200 trường hợp. Đáng chú ý, trong ngày 6/12, Cần Thơ lần đầu tiên có số ca mắc cao nhất cả nước. Hiện các bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 2, tầng 3 đã quá tải, phải kê thêm giường. Dự đoán trong vòng 5 - 7 ngày tới, số ca mắc có thể tăng thêm. Với sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và các địa phương về nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị, thuốc điều trị sẽ giúp thành phố Cần Thơ vượt qua khó khăn trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 và phòng, chống dịch COVID-19 ở địa phương.

Thu Hiền (TTXVN)
Nghệ An: Xây dựng thí điểm mô hình điều trị F0 tại nhà
Nghệ An: Xây dựng thí điểm mô hình điều trị F0 tại nhà

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An cho biết, từ 18 giờ ngày 6/12 đến 6 giờ ngày 7/12, tỉnh Nghệ An ghi nhận 30 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó có 9 trường hợp phát hiện trong cộng đồng, 14 trường hợp là F1 đã được cách ly từ trước, 6 trường hợp từ các tỉnh miền Nam trở về...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN