Khu điều trị được xây dựng tại Phòng khám Đa khoa khu vực An Phú (phường An Phú) với quy mô 200 giường, trong đó có 68 giường bệnh nhân nặng (tầng 2) do Trung tâm Y tế Thuận An quản lý.
Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 có 99 cán bộ y, bác sĩ. Ngay khi đưa vào vận hành, nơi đây tiếp nhận điều trị cho 58 bệnh nhân COVID-19.
Có mặt tại khu điều trị chuyên về bệnh nhân COVID-19, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Y Hà Nội, chuyên gia hỗ trợ giúp Bình Dương phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, cho rằng đến nay tỷ lệ người dân Bình Dương được tiêm vaccine đạt mức cao nên không còn tổ chức tầng 1 mà bệnh nhân chủ yếu cách ly điều trị theo dõi tại nhà bằng các trạm y tế lưu động. Do đó, cần tái cơ cấu tổ chức khu chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các trung tâm y tế làm nhiệm vụ điều trị tầng 2 và tầng 3.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Hiếu, cần nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị trên nền tảng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc men và quan trọng hơn là yếu tố con người. Ngoài việc tổ chức các khóa huấn luyện, hội chuẩn trực tiếp, trực tuyến nâng cao chuyên môn tay nghề thì Bình Dương nên quan tâm đến đời sống, thu nhập, phụ cấp chống dịch của nhân viên y tế.
Hiện Bình Dương đang triển khai nhân rộng các khu điều trị chuyên biệt bệnh nhân mắc COVID -19 ở các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố. Đây là phương án đúng đắn nhằm nâng cao chất lượng điều trị tại từng địa phương, với phương châm “4 tại chỗ” để giảm bệnh nhân chuyển viện và tỷ lệ tử vong.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, số bệnh nhân F0 được thu dung trong ngày là 3.089 ca; trong đó có 150 bệnh nhân nhập viện điều trị; số còn lại được điều trị tại nhà (2.939 người). Hiện tại, Bình Dương có trên 50.000 bệnh nhân mắc COVID-19, phần lớn trong đó đang được điều trị tại nhà.