Sở Y tế cũng lưu ý các đơn vị cần phân loại kịp thời, đẩy mạnh việc cách ly F0 đủ điều kiện tại nhà; cấp túi thuốc A cho người nhiễm gồm: thuốc giảm đau, hạ sốt, sinh tố... và hướng dẫn việc sử dụng; hướng dẫn người nhiễm tự theo dõi sức khỏe, thông báo khi có sự bất thường cho nhân viên y tế; cung cấp số điện thoại thường trực cho người nhiễm liên lạc 24 giờ trong ngày; tổ chức thăm hỏi, xét nghiệm theo quy định. Đồng thời, các đơn vị phải ghi chép, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người mắc COVID-19 hằng ngày theo mẫu; rà soát đảm bảo sẵn sàng cơ số trang thiết bị như máy đo SpO2, máy tạo oxy, bình oxy, thuốc, vật tư y tế đã cấp cho đơn vị; chủ động cơ số dự phòng.
Ngành y tế cần phối hợp chặt chẽ với ban, ngành, địa phương, đặc biệt là Ban nhân dân ở các khóm, ấp, Tổ nhân dân tự quản, đoàn thể trong việc giám sát tình hình sức khỏe người bệnh tại nhà, nơi cư trú.
Nhằm giảm quá tải cho các khu cách ly tập trung người nhiễm SARS-CoV-2 tại địa phương, Sở Y tế đề nghị các đơn vị xem xét thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 (thay vì vào ngày thứ 9 theo hướng dẫn của Bộ Y tế) đối với các trường hợp nhiễm không có triệu chứng, không có bệnh lý nền, sức khỏe tốt. Nếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính hoặc dương tính mà mức độ CT >30 thì chuyển tiếp người nhiễm về để theo dõi tiếp tại nhà. Nếu mẫu xét nghiệm của bệnh nhân vẫn cho kết quả dương tính và mức CT <30 thì tiếp tục được cách ly tại cơ sở cách ly tập trung.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy nhanh công tác thanh, quyết toán, hỗ trợ lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại tuyến cơ sở; huy động các lực lượng tại địa phương (thanh niên, phụ nữ công an, quân sự...) hỗ trợ lực lượng y tế trong việc quản lý F1, F0 tại nhà, nơi lưu trú; UBND cấp xã chịu trách nhiệm quản lý F1, F0 tại nhà, nơi lưu trú.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh, dù F0 được theo dõi tại nhà hay tại khu cách ly, điều trị ở các tuyến thì vẫn phải được giám sát chặt chẽ, xử lý kịp thời để hạn chế chuyển biến nặng, nhất là trong 10 ngày đầu khi phát hiện dương tính.
Sở Y tế tỉnh cần đảm bảo cơ bản các trang thiết bị cần thiết tại các trạm y tế tuyến xã, trạm y tế lưu động để phục vụ khi thực hiện điều trị người mắc COVID-19 tại nhà.
Đến nay, tại Đồng Tháp đang có 3.614 ca mắc COVID-1 được điều trị tại nhà, nơi cư trú.
Ngày 13/12, Đồng Tháp ghi nhận 740 ca mắc COVID-19 (giảm 5 ca so với ngày 12/12), trong đó 319 ca trong cộng đồng. Đồng Tháp đang điều trị 8.623 ca bệnh, trong đó 8.267 ca không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; 65 ca rất nặng; 561 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, có 10 ca tử vong trong ngày.