Bình Dương áp dụng biện pháp mới trong xét nghiệm và phòng dịch COVID-19

Ngày 9/11, Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin đã ban hành hướng dẫn về xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trạng thái “bình thường mới”. Theo đó, ngành y tế xác định xét nghiệm là khâu then chốt để phát hiện F0 và đưa ra biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Chú thích ảnh
Bình Dương xét nghiệm COVID-19 cho người dân. Ảnh tư liệu: Văn Hướng/TTXVN

Giải pháp xét nghiệm trong thời gian tới gồm: Xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, xét nghiệm tại cơ sở y tế và xét nghiệm trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ quan, đơn vị nhà nước. Ngoài ra, các trường hợp không có triệu chứng nhưng có tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 cũng được xét nghiệm. Việc tầm soát lấy mẫu ngẫu nhiên và định kỳ ở các địa bàn có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người, như chợ đầu mối, chợ truyền thống, bến xe, nhà trọ…

Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương, cho biết, hiện công tác xét nghiệm không còn thực hiện đại trà như trước đây. Đối với người đã tiêm đủ vaccine hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ. Bình Dương cũng chỉ thực hiện xét nghiệm cho các trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 như sốt, ho, khó thở.

Cụ thể, ở khu vực có cấp độ 1 (nguy cơ thấp), địa phương lấy mẫu đại diện 5% hộ gia đình hoặc phòng trọ, chung cư; cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) lấy 10% đại diện với định kỳ 2 tuần/1 lần. Riêng khu vực cấp độ 3, cấp độ 4 (nguy cơ cao và rất cao) lấy đại diện 20% hộ gia đình, khu nhà trọ và 100% đối tượng nguy cơ, tần suất 1 tuần/1 lần.

Tuy nhiên, với những người dân sinh sống tại các khu nhà trọ, chung cư hoặc đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, ngoài lấy mẫu tầm soát định kỳ, ngẫu nhiên tại nơi cư trú còn phải chấp hành lấy mẫu tại nơi làm việc.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan đơn vị phải thực hiện xét nghiệm định kỳ cho người lao động. Các địa phương có nguy cơ rất cao cần xét nghiệm cho người lao động có nguy cơ cao (tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân), người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho doanh nghiệp (suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh) xét nghiệm hằng tuần tối thiểu cho 20% người lao động và xét nghiệm hằng tuần cho toàn bộ người lao động.

Ở các địa bàn có nguy cơ cao và có nguy cơ, xét nghiệm 2 tuần/lần tối thiểu cho 5-10% người lao động và xét nghiệm 2 tuần/lần cho toàn bộ người lao động. Đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc 1 mũi nhưng đã qua ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh thì không bắt buộc xét nghiệm. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng test nhanh kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.

Cũng theo Sở Y tế Bình Dương, đến nay, tỉnh đã tổ chức tiêm được 4,1 triệu liều vaccine, trong đó, có 2,38 triệu liều mũi 1 và 1,7 triệu liều mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Đối với trẻ từ 15-17 tuổi đã tiêm được 75.900 liều vaccine. Nhờ phủ rộng vaccine, đến nay, sau hơn 1 tháng "bình thường mới", mặc dù ghi nhận số ca mắc vẫn cao, nhưng theo đánh giá của ngành y tế, Bình Dương đang ở mức "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".

Theo báo cáo của Sở Y tế, ngày 9/11, Bình Dương có thêm 639 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh tính từ đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh lên 234.326 người.

Cũng trong ngày, tỉnh ghi nhận 619 ca mắc qua xét nghiệm RT-PCR và đã có đầy đủ các thông tin dịch tễ, giảm 204 ca so với ngày 8/11. Tuy nhiên, trong ngày có 552 bệnh nhân nhập viện; 11 bệnh nhân tử vong.

Chí Tưởng (TTXVN)
Cử tri Bình Dương quan tâm về chiến lược phục hồi sau dịch COVID-19
Cử tri Bình Dương quan tâm về chiến lược phục hồi sau dịch COVID-19

Phiên thảo luận của Quốc hội chiều 9/11 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN