Là tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Với vị trí quan trọng đó, trong phát triển kinh tế - xã hội, một trong những chương trình mục tiêu được tỉnh chú trọng thực hiện là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo bước chuyển mới ở vùng nông thôn, góp phần đưa Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển khá của Đông Nam Bộ và cả nước. Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này trong chùm ba bài viết nhan đề: "Xây dựng nông thôn mới ở Tây Ninh".
Bài 1: Kết quả ấn tượng
Mục tiêu cao nhất của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn. Để đạt mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tây Ninh đã xác định rõ thuận lợi và khó khăn của từng địa phương. Từ đó, địa phương có lộ trình thực hiện, tập trung vào những tiêu chí mang tính đòn bẩy, tạo diện mạo, bước chuyển căn bản của các vùng nông thôn.
Đồng thuận tạo diện mạo mới
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2010 cho đến nay, Tây Ninh luôn nhất quán quan điểm sự đồng thuận của nhân dân, nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể là yếu tố quyết định đầu tiên cho sự thành công. Tỉnh tập trung khâu tuyên truyền, tạo sự thống nhất và vào cuộc đồng bộ. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc điểm từng địa phương, các cấp, ngành, địa phương phát động nhiều phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, lồng ghép thông qua các buổi sinh hoạt của đoàn thể, cuộc họp Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở, các cuộc tiếp xúc cử tri, phát huy cao nhất vai trò của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, tính riêng trong giai đoạn 2010-2020, các sở ngành, doanh nghiệp và người dân đã tham gia đầu tư xây dựng hơn 2.200 km đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân hiến hơn 122.000 m2 đất và đóng góp trên 110.000 ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn; đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình điện và gắn hơn 8.000 bóng đèn thắp sáng đường làng, cải tạo, nâng cấp nhiều chợ nông thôn. 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%.
Bước vào giai đoạn mới, năm 2021-2025, tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo chuẩn nông thôn mới của giai đoạn giai đoạn 2021-2025.
Năm 2010, tỉnh chỉ có 1 xã đạt 7 tiêu chí và có 68 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Đến tháng 10/2022, tỉnh có 55/71 xã đạt chuẩn thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã nông thôn mới kiểu mẫu và ít nhất 50% số huyện sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của tỉnh Tây Ninh vào năm 2020. Theo Chủ tịch UBND xã Trường Đông Huỳnh Thiện Huấn, để tạo diện mạo mới, đồng thời làm cơ sở nền tảng cho thực hiện các tiêu chí khác của chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, xã đã thống nhất việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng có ý nghĩa rất quan trọng.
Trong quá trình thực hiện, xã rà soát hiện trạng tất cả các tuyến đường trên địa bàn, lập danh mục cụ thể các công trình để thực hiện xây mới hoặc duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời, Trường Đông đã sử dụng hiệu quả các nguồn lực được đầu tư, kinh phí đóng góp hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp… để nâng cấp, trải nhựa, bê tông hóa các tuyến đường xã, cứng hóa các tuyến đường trục ấp và sửa chữa các tuyến đường ngõ xóm. Đến thời điểm được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tất cả các tuyến đường trục xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện đều đã được nhựa hóa. 18 tuyến đường trục ấp, liên ấp được duy tu, bảo trì, đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa. Tất cả các tuyến đường ngõ, xóm được kiểm tra, duy tu, thuận lợi cho việc lưu thông. Đường trục chính nội đồng cũng được cứng hóa. Tại Trường Đông, 100% ấp có tuyến tuyền dẫn cấp quang, cáp đồng, trạm thu phát sóng thông tin di động hoạt động ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin liên lạc của nhân dân, tạo nền tảng để xã phát triển kinh tế - xã hội.
Nâng cao thu nhập người dân
Điểm cốt yếu của xây dựng nông thôn mới là đời sống người dân được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Vì vậy, xác định lợi thế, tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Tây Ninh đã và đang thực hiện.
Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã hoàn thành sắp xếp đất đai và thống nhất chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các công ty nông nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, Tây Ninh đã chuyển đổi hơn 36.200 ha đất cho năng suất thấp từ các cây trồng như lúa, cao su, mía sang các loại cây ăn quả, sắn… phù hợp thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân.
UBND tỉnh ban hành các chính sách như: Chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh thông tin, tỉnh chú trọng tổ chức, phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Nông nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ lực của địa phương, do đó tỉnh từng bước xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Đến nay, tỉnh đã có tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm gần 181.000 ha, trên 700 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số diện tích nuôi trồng thủy sản.
Giá trị sản phẩm bình quân thu được trên 1ha đất trồng trọt ở Tây Ninh tăng qua từng năm. Năm 2021, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha trồng trọt của nông dân địa phương đạt 102 triệu đồng, tăng 2 triệu đồng so với năm 2020, góp phần đáng kể trong cải thiện đời sống, nâng mức thu nhập cho người dân nông thôn.
Song song với đó, phát huy thế mạnh từng địa phương, Tây Ninh triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã, phấn đấu mỗi xã có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình, có các sản phẩm OCOP là sản phẩm các cấp. Đến nay, tỉnh đã có 26 sản phẩm đã được gắn sao OCOP. Tất cả các sản phẩm này đều đáp ứng những các tiêu chí khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn liền với địa phương và do doanh nghiệp hoặc người lao động tại địa phương sản xuất ra. Đồng thời, các sản phẩm này gắn liền với xây dựng nông thôn mới, kết hợp phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề.
Ông Đặng Khánh Duy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tân Nhiên (xã Trường Đông, thị xã Hòa Thành) - một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cho biết: Xây dựng sản phẩm OCOP gắn với những đặc sản của quê hương, có quy trình sản xuất đạt chuẩn không chỉ đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu không chỉ là sự khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp mà còn tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở xã nông thôn mới nâng cao. Doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho trên 200 lao động, với mức lương trung bình từ 5 triệu đồng đến gần 20 triệu đồng/người/tháng.
Bài 2: Những miền quê khởi sắc