Vùng biên Phước Bình chuyển mình
Phước Bình (thị xã Trảng Bàng) là xã vùng biên, được thành lập mới trên cơ sở sáp nhập địa giới hành chính và dân số hai xã Phước Lưu, Bình Thạnh vào đầu năm 2020.
Ngay sau khi được thành lập, thực hiện mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền xã nhanh chóng đề ra nhiệm vụ, giải pháp triển khai phù hợp. Xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo nền tảng thực hiện đổi mới, tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phước Bình Bùi Văn Riêng cho biết, xã xác định phát triển giao thông nông thôn là khâu đột phá, đáp ứng yêu cầu cấp thiết phục vụ đời sống, phát triển sản xuất ở địa phương. Năm 2021, xã đã trải bê tông và trải nhựa ở 27 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 18 km.
Được sự đồng thuận cao của người dân, năm 2021, xã vận động nhân dân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí, hoàn thiện nhiều công trình như: Mở mới hai tuyến đường, lắp đặt ba tuyến đèn chiếu sáng đường quê với tổng chiều dài 1.400m, xây mới và sửa chữa ba cây cầu.
Hệ thống thủy lợi được coi là đòn bẩy quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn. Do đó, xã phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công thực hiện giải phóng mặt bằng, khởi công hai công trình đê bao và một công trình trạm bơm, tạo thuận lợi để nông dân phát triển sản xuất.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình Phan Thiện Khâm cho hay, hiện nay, xã đã thành lập các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp giúp người dân liên kết, phát triển sản xuất lúa, dứa, rau màu, nâng cao giá trị nông sản, góp phần đưa thu nhập bình quân của người dân đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. Toàn xã không còn hộ nghèo.
Ông Nguyễn Văn Sáu (ấp Bình Hòa, xã Phước Bình) chia sẻ, trước đây, việc sản xuất nông nghiệp ở địa phương rất khó khăn. Khu ruộng của gia đình ông trước do không có đường giao thông nên vận chuyển vật tư, thu hoạch nông sản rất vất vả. Hiện nay, các tuyến đường liên ấp, liên xóm được trải nhựa hoặc bê trông hóa, tạo thuận lợi cho nông dân đầu tư, phát triển sản xuất.
Ông tích cực đóng góp, cùng bà con và chính quyền xã làm cầu, đường giao thông nội đồng. Cơ sở hạ tầng thuận lợi, năng động phát triển sản xuất, ông Sáu đã thành công với mô hình trồng giống dứa Queen kết hợp nuôi cá, trên 60 ha đất nhiễm phèn, mỗi năm thu lãi hơn 3,7 tỷ đồng. Ông được vinh danh là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc giai đoạn 2017-2022.
Xây dựng nông thôn mới ở xã an toàn khu
Xã Tân Lập (huyện Tân Biên) là vùng an toàn khu trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Nơi đây có Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam cùng các di tích quốc gia và cấp tỉnh như: Địa điểm Ban Kiểm tra Trung ương Cục miền Nam, địa điểm Căn cứ Đảng ủy Dân chính Đảng Trung ương Cục miền Nam, di tích Ban An ninh miền, địa điểm Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam, Khu chứng tích tội ác Khmer đỏ Pol Pot-Ieng Sary. Hiện nay, địa bàn xã còn có Cửa khẩu quốc tế Xa Mát và Cửa khẩu quốc gia Chàng Riệc.
Phát huy truyền thống hào hùng của địa phương, trong xây dựng nông thôn mới, Tân Lập là một trong những điển hình của huyện Tân Biên và tỉnh Tây Ninh. Về Tân Lập đúng dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh thẩm định, công nhận là xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2022, chúng tôi cảm nhận rõ hơn những bước đổi thay của vùng an toàn khu, căn cứ cách mạng năm xưa.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đào Văn Sớt cho biết, năm 2010, khi Tân Lập được Huyện ủy Tân Biên chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, xã có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng nông thôn còn yếu, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Quyết tâm xây dựng và phát triển vùng đất Tân Lập xứng đáng với truyền thống, những hy sinh, cống hiến của thế hệ cha anh, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành, hàng năm, Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng nông thôn mới. Xã xác định các tiêu chí ưu tiên thực hiện cùng lộ trình và giải pháp phù hợp. Ban chỉ đạo, Ban quản lý họp định kỳ đánh giá kết quả thực hiện, có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Năm 2015, Tân Lập được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Không dừng lại hành trình, Tân Lập tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn được hoàn thiện ở mức cao hơn trên cơ sở huy động các nguồn hỗ trợ và đóng góp của nhân dân, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Các tuyến giao thông tiếp tục được đầu tư xây dựng. Toàn bộ các tuyến đường trục ấp, liên ấp, đường ngõ xóm đều được bê tông hóa; 5/5 ấp có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 100%.
Xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện mở lớp phổ biến các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cho nông dân, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm. Ngoài ra, xã phối hợp với ngành chức năng, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, thông báo rộng rãi cho lực lượng lao động tại địa phương, đảm bảo tỷ lệ người có việc làm thường xuyên đạt gần 97%. Thu nhập của người dân trong xã đạt khoảng 65 triệu đồng/người/ năm.
Xây dựng nông thôn mới nâng cao, ngày càng văn minh, hiện đại, Tân Lập đặc biệt quan tâm thực hiện chương trình chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Lập Đào Văn Sớt, xã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, đặc biệt là nhân dân tham gia chuyển đổi số. Xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện dịch vụ hành chính công, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống một cửa điện tử. Trong 9 tháng năm 2022, hệ thống này đã tiếp nhận nhận và hoàn trả trên 600 hồ sơ, tất cả đều được giải quyết trước hạn, trong đó, có gần 200 hồ sơ tiếp nhận thông qua dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.
Nói về những đổi thay của địa phương, ông Cao Văn Sơn (70 tuổi) ở khu dân cư Chàng Riệc, ấp Tân Khai, xã Tân Lập cho biết, trước đây, đường đi không thuận tiện, nhiều người chưa có việc làm nên đời sống khó khăn. Hiện nay, giao thông thuận lợi hơn, người dân chăm chỉ lao động sản xuất, thanh niên được giới thiệu học nghề, tìm việc làm. Trường học, trạm y tế đầy đủ nên đồng bào các dân tộc ở Tân Lập rất phấn khởi.
Bài cuối: Hành trình không dừng