Lễ hội mùa trái chín 2025 có thể tạm dừng vì thời tiết không thuận lợi

Mưa trái mùa kéo dài cùng thời tiết thất thường trong tháng 4 và 5 đã khiến sản lượng măng cụt tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương sụt giảm nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Người dân mua trái cây tại Lễ hội mùa trái chín 2024. 

Trước tình hình này, chính quyền thành phố Thuận An và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đang cân nhắc điều chỉnh quy mô hoặc tạm dừng tổ chức Lễ hội mùa trái chín năm nay - sự kiện du lịch nông nghiệp trọng điểm của địa phương, vốn thu hút đông đảo du khách trong nhiều năm qua.

Theo đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, Lễ hội mùa trái chín là hoạt động du lịch - văn hóa thường niên của tỉnh Bình Dương, được tổ chức định kỳ vào tháng 6 tại phường Hưng Định, thành phố Thuận An. Trong các năm trước, lễ hội thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, thưởng thức trái cây tại vườn và tham gia các hoạt động văn hóa đặc sắc như hội thi hái quả, trưng bày sản phẩm OCOP, giao lưu đờn ca tài tử Nam Bộ, giải việt dã “Cung đường mùa trái chín”, triển lãm ảnh du lịch...

Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, sản lượng măng cụt và nhiều loại trái cây tại vùng Lái Thiêu năm nay giảm mạnh. Thông tin từ lãnh đạo thành phố Thuận An, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài và bất thường từ tháng 4 đến tháng 5, nhiều vườn cây ăn trái trên địa bàn thành phố Thuận An, đặc biệt là măng cụt, bị thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, UBND thành phố Thuận An và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang cân nhắc tham mưu hình thức, quy mô tổ chức phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Trần Văn Viễn, chủ hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn, cho biết: “Cây măng cụt cần thời tiết khô ráo trong giai đoạn ra hoa. Năm nay mưa tới sớm, mưa nhiều và kéo dài khiến hoa rụng, trái non không thể phát triển. Một số vườn bị gãy cành do gió lớn. Tổng sản lượng măng cụt của hợp tác xã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái”.

Măng cụt An Sơn, Bình Nhâm, Lái Thiêu từ lâu đã trở thành đặc sản của tỉnh Bình Dương với đặc điểm vỏ mỏng, cơm trắng, vị ngọt thanh và hương thơm nhẹ. Cây măng cụt thường cho trái vào khoảng tháng 5 đến tháng 7 hằng năm, là thời điểm cao trào của hoạt động du lịch vườn. Tại các địa phương như Hưng Định, Vĩnh Phú, An Thạnh… nhiều nhà vườn đã kết hợp canh tác nông nghiệp với đón khách du lịch, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Một nhà vườn tại phường Bình Nhâm, thành phố Thuận An, chia sẻ: "Năm nay mưa bão làm hư hại gần hết vườn măng cụt. Dù đã chăm sóc kỹ nhưng cây không ra trái. Khách du lịch liên hệ đặt lịch tham quan mà chúng tôi phải từ chối vì không còn trái phục vụ. Nếu năm nay do măng cụt bị mất mùa mà lễ hội không được tổ chức hoặc tổ chức quy mô nhỏ là điều đáng tiếc, nhưng cũng hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay”.

Ngoài măng cụt, các loại cây ăn trái khác như bưởi Bạch Đằng, cam quýt tại Bình Dương cũng bị ảnh hưởng do thời tiết. Chính quyền địa phương và các hợp tác xã thống kê thiệt hại, hỗ trợ nông dân khôi phục vườn cây và điều chỉnh mùa vụ phù hợp với biến đổi khí hậu.

Người dân Lái Thiêu nói riêng và du khách gần xa nói riêng hy vọng rằng thời tiết những năm tới sẽ thuận lợi để Lễ hội mùa trái chín sẽ tiếp tục được tổ chức nhằm phát huy giá trị văn hóa - du lịch gắn với nông nghiệp của vùng Lái Thiêu nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.

Tin, ảnh: Huyền Trang (TTXVN)
Xây dựng mô hình mới để tạo thêm sức hút cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột
Xây dựng mô hình mới để tạo thêm sức hút cho Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột

Ngày 21/5, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết các hoạt động kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025) và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, năm 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN