Phát huy lợi thế, Ninh Thuận đang lập đề án xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo của cả nước, đưa năng lượng tái tạo trở thành ngành kinh tế trụ cột, tạo động lực bứt phá, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Dồi dào tiềm năng
Trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, nhu cầu sử dụng năng lượng có sự gia tăng mạnh mẽ, khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí có hạn, các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời được coi là giải pháp phù hợp, giúp mỗi quốc gia giải bài toán an ninh năng lượng.
Ở Việt Nam, Ninh Thuận là địa phương có lượng mưa trong năm thấp nhất cả nước, nổi tiếng là nơi nhiều nắng, nhiều gió, rất thuận lợi để phát triển mạnh năng lượng tái tạo. Đề cập về tiềm năng dồi dào cho phát triển năng lượng tái tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nêu các dữ liệu cụ thể, thuyết phục Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5 m/s ở độ cao 65 m và mật độ gió từ 400 - 500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18 đến 20 m/s (ở độ cao 12 m).
Đặc biệt, trên địa bàn Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/s, đảm bảo ổn định cho tuabin gió phát điện. Đây chính là lợi thế căn bản để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển mạnh năng lượng điện gió.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, Ninh Thuận có tới 5 khu vực được quy hoạch, với tổng công suất dự kiến 1.429 MW và có thể phát triển lên 2.000 MW nếu đầu tư công nghệ mới, hiện đại. Vừa qua, tỉnh đã lập, trình Bộ Công Thương thẩm định Quy hoạch Phát triển điện gió ven biển tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tích hợp vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất 4.380MW trên 3 vùng.
Trong khi đó, đối với tiềm năng phát triển điện mặt trời, Ninh Thuận là địa phương có cường độ bức xạ lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn, tới trên 230 kcal/cm2; trong đó tháng ít nhất cũng đạt khoảng 14 kcal/cm2. Các số liệu quan trắc đã cho thấy, tại Ninh Thuận, số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600 - 2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm. Số tháng nắng trong năm là 9 tháng/năm (tương đương 200 ngày nắng/năm). Vì vậy, đây là địa phương được đánh giá có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.
Hiện, UBND tỉnh đã lập, trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Phát triển điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, với tổng công suất 8.181 MW.
Từ góc độ doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Lê Thanh Phong, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần điện gió và điện mặt trời Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) chia sẻ, do nhận thấy điều kiện tự nhiên của tỉnh Ninh Thuận rất phù hợp để phát triển năng lượng tái tạo, Tập đoàn Trung Nam đã và đang thực hiện nhiều dự án lớn liên quan đến điện gió, điện mặt trời tại Ninh Thuận; trong đó, tại hai xã Lợi Hải và Bắc Phong (huyện Thuận Bắc), dự án phát triển điện gió của Tập đoàn Trung Nam được chia làm ba giai đoạn, tổng công suất là 151 MW.
Riêng giai đoạn ba lắp đặt 12 tuabin với công suất 48 MW, trụ cao 126 m, đường kính cánh quạt là 130 m. Cũng tại hai xã Lợi Hải và Bắc Phong, tập đoàn còn có dự án điện mặt trời với công suất là 204 MW. Dự án này được Tập đoàn Trung Nam khởi công vào năm 2018 và đã hoàn thành phát điện vào tháng 6/2019. Hiện, toàn bộ công suất này đã được hòa vào lưới điện cả nước.
Thu hút mạnh đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cho biết, từng bước thực hiện chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm Năng lượng tái tạo của cả nước, tính đến nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 37 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.576 MW; trong đó, có 32 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.256 MW đã đưa vào vận hành thương mại.
Đối với phát triển năng lượng điện gió, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung vào quy hoạch với tổng quy mô công suất 841 MW điện gió. UBND tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng công suất 766,45 MW. Đến nay, có 3 dự án với tổng công suất 181,55 MW đã hoàn thành đầu tư đưa vào vận hành thương mại và 12 dự án còn lại đang được tích cực triển khai đầu tư.
Mặt khác, tỉnh Ninh Thuận cũng đã lập Quy hoạch Trung tâm điện khí LNG Cà Ná (Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng) công suất 6.000 MW (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt bổ sung Quy hoạch giai đoạn một công suất 1.500 MW. 4.500 MW sẽ xem xét bổ sung trong Quy hoạch điện VIII). Tỉnh đang xúc tiến lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án điện khí LNG Cà Ná công suất 1.500 MW.
Là một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, việc đầu tư, đưa vào vận hành các dự án năng lượng tái tạo đã có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, là đòn bẩy rất quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bứt phát, bền vững, hiệu quả.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận, việc chú trọng phát triển năng lượng tái tạo còn góp phần đáng kể thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp năng lượng sạch; đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách địa phương; giải quyết việc làm mới cho trên 17.380 lao động.
Đặc biệt, qua đây góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vùng nông thôn phục vụ quản lý, vận hành nhà máy năng lượng kết hợp phục vụ hoạt động sản xuất và nhu cầu đi lại của người dân; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh; khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất hoang hóa, kém hiệu quả; đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường,...
Khẳng định bên cạnh việc quan tâm thu hút đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận cũng cho biết, tỉnh quan tâm chỉ đạo vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ môi trường đối với các dự án năng lượng. Toàn bộ các dự án năng lượng tái tạo được triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh đều lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định.
Hơn nữa, Ninh Thuận xác định rõ việc kêu gọi thu hút dự án đầu tư phát triển năng lượng tái tạo gắn với thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Trước mắt, tỉnh kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực xử lý môi trường, nhất là các ngành sản xuất từ nguyên liệu thu hồi tấm pin (nhôm, kính cường lực), đặc biệt xử lý các tế bào quang điện và các thành phần còn lại.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của năng lượng tái tạo đối với nền kinh tế, góp phần đảm an ninh năng lượng quốc gia và vừa góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đối khí hậu, thời gian tới tỉnh Ninh Thuận sẽ kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ địa phương về cơ chế, chính sách như bổ sung quy hoạch năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đầu tư đường truyền tải điện; các ưu đãi khác,...
Từ thực tế ở địa phương có các dự án năng lượng tái tạo được thực hiện trên địa bàn, ông Phạm Trọng Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 10 dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió đã, đang và sẽ được triển khai; trong đó có 3 dự án đã đi vào vận hành thương mại là Dự án Điện mặt trời và Điện gió của Tập đoàn Trung Nam, Dự án Điện mặt trời Xuân Thiện và Dự án Điện gió Đầm Nại. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn triển khai. Với trách nhiệm của địa phương, UBND huyện Thuận Bắc luôn phối hợp chặt chẽ, tích cực tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng.
Đánh giá về việc thu hút, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án năng lượng tái tạo, ông Lê Thanh Phong, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Điện gió và Điện mặt trời Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) chia sẻ, thời gian qua trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và vận hành dự án điện gió và điện mặt trời, Tập đoàn Trung Nam đã nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo và các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận.
Các ưu đãi đầu tư của địa phương liên quan đến các nội dung cụ thể như như chính sách cho thuê đất, hỗ trợ các nhà đầu tư khi triển khai dự án, việc hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, các loại thuế được miễn hoặc giảm trong quá trình thi công luôn được thực hiện hiệu quả.