Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn

Từ nay đến hết năm 2020, Hải Dương phấn đấu 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Vùng sản xuất lúa tập trung ở Hải Dương. 

Cụ thể, Hải Dương phấn đấu có 178/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100%); 12 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng phấn đấu có từ 10 - 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và từ 2 - 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. 

Để đạt được mục tiêu trên, theo ông Trần Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, Hải Dương chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tế của địa phương.

Trong xây dựng nông thôn mới, Hải Dương chú trọng phát huy vai trò của chính quyền trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, kết nối với nông thôn và đô thị, các chuỗi liên kết sản xuất hỗ trợ nông dân, công tác bảo vệ môi trường.

Hải Dương cũng tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học. Cùng đó, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng (VietGAP, GlobalGAP) và truy xuất nguồn gốc đối với tất cả các sản phẩm nông nghiệp. Cùng đó, chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả đang có ở địa phương. 

Chú thích ảnh
Một góc thị xã Kinh Môn (Hải Dương).

Theo ông Quân, Hải Dương cũng phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường khâu bảo quản và chế biến hàng nông sản; hình thành hệ thống trung tâm kết nối, xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gắn với chuỗi Chợ đầu mối hoặc Trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu; phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, thực hiện chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các địa phương; trong đó, tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào chế biến nông sản và lĩnh vực phi nông nghiệp, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn…

Đến nay, tỉnh có 160/178 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 89,9%; có 9 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020 là Đức Chính, Cao An (huyện Cẩm Giàng), Nhân Quyền (huyện Bình Giang), Đoàn Thượng (huyện Gia Lộc), Tân Kỳ (huyện Tứ Kỳ), Nam Tân, Nam Hồng (huyện Nam Sách) và Thượng Quận, Bạch Đằng (thị xã Kinh Môn). Có 7 đơn vị cấp huyện về đích xây dựng nông thôn mới, gồm: thị xã Kinh Môn, thành phố Chí Linh và các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc.

Chú thích ảnh
Một góc thị xã Kinh Môn (Hải Dương). 

Theo ông Trần Duy Chinh, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hải Dương, nhờ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 với nỗ lực cố gắng không ngừng của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân trong tỉnh, bộ mặt nông thôn Hải Dương đã đổi mới rõ nét. Các công trình xây dựng khang trang và ngày càng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân….

Cùng với đó, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hoàn thành tốt Đề án dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Hải Dương cũng đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao; hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng; thu nhập của nông dân được nâng lên, đời sống của người dân nông thôn cải thiện rõ rệt, an ninh trật tự an toàn xã hội nông thôn được củng cố...

Tin, ảnh: Mạnh Tú (TTXVN)
Biểu trưng chính thức của tỉnh Hải Dương lấy ý tưởng từ công trình tam quan đền Kiếp Bạc
Biểu trưng chính thức của tỉnh Hải Dương lấy ý tưởng từ công trình tam quan đền Kiếp Bạc

Ngày 8/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức Hội nghị công bố biểu trưng (logo) chính thức của tỉnh và tổng kết, trao thưởng cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Hải Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN