Theo Chủ tịch UBND xã An Bình Tây, ông Phạm Hồng Hải, An Bình Tây là xã thuộc tiểu vùng II của huyện Ba Tri, nằm cách trung tâm thị trấn Ba Tri 1km, có diện tích tự nhiên 1.571ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.272ha, phía Bắc giáp xã Mỹ Nhơn, xã Mỹ Thạnh; phía Nam giáp xã An Đức; phía Đông giáp xã Phú Lễ và thị trấn Ba Tri; phía Tây giáp xã An Hiệp và xã An Ngãi Trung.
Toàn xã có 6 ấp, 3.311 hộ, với 9.753 nhân khẩu. Kinh tế xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ. Thu nhập bình quân đầu người ở xã vào cuối năm 2023 là 63,17 triệu đồng/người/năm.
Năm 2011, xã An Bình Tây bắt đầu bước vào xây dựng NTM. Tổng kinh phí đã thực hiện trong xây dựng NTM là 153,604 tỷ đồng, trong đó ngân sách cấp tỉnh 74,94 tỷ đồng, chiếm 48,78%; ngân sách cấp huyện 10,1 tỷ đồng, chiếm 6,57%; ngân sách xã 21,39 tỷ đồng, chiếm 13,92%.
Trong từng năm, Đảng bộ và chính quyền xã An Bình Tây đều có nghị quyết, kế hoạch tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 7,88% năm 2022 xuống chỉ còn 3,94% (tính đến tháng 7/2024). Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở xã là 70,8%, đạt so với quy định và tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 25,01%, đạt so với quy định.
Trên cơ sở điều kiện sản xuất tại địa phương về đất đai, thổ nhưỡng, xã đã vận dụng tốt từ cây, con giống mới, mô hình mới phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất của người dân, khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng năng suất, chất lượng và giảm chi phí giá thành sản phẩm. Qua đó, An Bình Tây có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế sáng tạo, bền vững và mang lại thu nhập cao như: Mô hình nuôi bò sữa, mô hình trồng rau mầm, mô hình nuôi gà thịt
Xã còn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia học nghề, giới thiệu việc làm và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Công tác giáo dục, văn hóa, y tế, thể dục - thể thao được các ngành, các cấp quan tâm, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tất cả các ấp (6/6 ấp) có hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy cập Internet, với mạng cáp quang đến 100% ấp của xã và 12 trạm thu, phát sóng thông tin di động mặt đất (BTS) để cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet di động phủ kín địa bàn toàn xã.
Theo Chủ tịch UBND xã An Bình Tây, đạt được thành tựu đó là nhờ có sự đoàn kết, thống nhất, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn dân; sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Đặc biệt, là vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM rất đáng ghi nhận, Nhân dân không chỉ hăng hái tham gia, mà còn không ngần ngại hiến đất đai, hoa màu và đóng góp trên 3,3 tỷ đồng tiền mặt để triển khai xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và đời sống dân sinh, góp phần cho xã An Bình Tây, về đích xây dựng NTM theo đúng kế hoạch, được Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã An Bình Tây nói riêng, huyện Ba Tri nói chung.
“Đạt chuẩn xã nông thôn mới, đây là kết quả bước đầu, đều quan trọng là giữ cho được thành quả hôm nay, phát triển và hoàn thiện ngày càng cao hơn trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân An Bình Tây sẽ quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh cao điểm thi đua Đồng Khởi mới. Đặc biệt trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, xã sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện, chương trình đồng khởi, khởi nghiệp của Tỉnh ủy, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, song song với việc bảo vệ môi trường. Quyết tâm giữ vững dạnh hiệu xã nông thôn mới, xây dựng xã An Bình Tây ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn. Xứng đáng với quê hương của một xã anh hùng", ông Phạm Hồng Hải, Chủ tịch UBND xã An Bình Tây nhấn mạnh.
Theo Phó chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Ba Tri, Dương Văn Chương, phát huy thành quả đạt được xã văn hóa năm 2009, Đảng bộ, chính quyền và toàn thể nhân dân xã An Bình Tây đã tích cực tham gia phong trào thi đua xây dựng NTM.
Cùng với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, doanh nghiệp xã đã huy động được tổng nguồn vốn trên 153 tỷ đồng; xây dựng trên 33,7km đường giao thông; 71,5km kênh mương được nạo vét thông thoáng, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện tốt cho sinh hoạt, giải trí, rèn luyện thể dục thể thao cho người dân.
Đặc biệt, mô hình "lấy chợ nuôi chợ" được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Bình Tây triển khai, thực hiện rất hiệu quả: đã nâng cấp, mở rộng chợ An Bình Tây giai đoạn 2, với nguồn kinh phí thu từ đấu giá phố chợ trên 27 tỷ đồng. Từ đó, đã phát huy cao tiềm năng thương mại dịch vụ của xã cửa ngõ, tạo nên khu vực sung túc, cùng với các mô hình tổ hợp tác nông nghiệp, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp ngày càng tăng đã góp phần làm cho đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, với thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2023 đạt 63,17 triệu đồng/người/năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện đề nghị, địa phương tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chung sức, đồng lòng, sáng tạo hơn nữa để giữ vững danh hiệu xã NTM, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào "Ngày Chủ nhật NTM", thi đua Đồng khởi mới, Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh. Các ban, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể từ huyện đến xã phải tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, để người dân thực sự đóng vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trong thời kỳ kháng chiến, An Bình Tây là căn cứ cách mạng vùng Bưng Cóc, nơi đứng chân của lực lượng tỉnh, huyện, xã; và cũng là nơi mà quân địch quyết tâm bình định, giữ làm vùng đệm bảo vệ thị trấn Ba Tri; nên việc tranh chấp giữa ta và địch diễn ra rất quyết liệt. Dù trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng Đảng bộ và Nhân dân An Bình Tây với ý chí cách mạng, tinh thần kiên cường đã quyết tâm bám trụ để vượt qua khó khăn, thử thách làm tròn nhiệm vụ cách mạng giao và xứng đáng với danh hiệu xã Anh hùng đầu tiên của huyện Ba Tri.
Sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã An Bình Tây đã tập trung khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại, đồng thời bắt tay vào xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng từ một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, lại chịu những ảnh hưởng khó khăn chung về kinh tế của cả nước nên kinh tế xã An Bình Tây phát triển rất chậm.
Mặt khác, kết cấu hạ tầng thấp kém, cầu đường, trường, trạm đều tạm bợ, xuống cấp; diện tích đất canh tác đều bị nhiễm phèn mặn và phụ thuộc vào mùa mưa, mỗi năm chỉ 1 vụ lúa. Mặc dù trải qua nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và Nhân dân An Bình Tây đã đoàn kết, kế thừa, phát huy truyền thống cách mạng, không ngừng nỗ lực, phấn đấu đem trình độ khoa học kỹ thuật áp dụng vào, trong sản xuất, vừa tích cực tham gia phong trào làm thủy lợi chung của huyện góp phần tháo chua, rửa phèn trên 1.257 ha đất sản xuất nông nghiệp giúp thâm canh, tăng vụ, năng suất cao gấp nhiều lần so với trước đây, từ đó đã góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.