Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Trà Vinh có tổng dân số trên 1 triệu người, trên 59% là tín đồ tôn giáo, hơn 32% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Khmer chiếm 31,5%.

Chú thích ảnh
Huyện Cầu Kè (Trà Vinh) vừa đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. 

Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua, các tổ chức tôn giáo, tín đồ các tôn giáo luôn đoàn kết, thống nhất, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Những chiếc “cầu nối” gắn kết ý Đảng, lòng dân

Về Tiểu Cần, Cầu Kè những ngày đầu tháng 8, khi 2 địa phương vừa đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của Thủ tướng Chính phủ, thấy rõ sự “thay da, đổi thịt” sau 13 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Những con đường được trải nhựa thẳng tắp, hai bên đường cờ hoa rực rỡ, nhiều ngôi nhà mới khang trang, hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học hoàn thiện… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân có bước tiến vượt bậc, kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực.

Hòa thượng Thạch Thảo, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Cầu Kè, sư cả chùa Cành Đal, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè cho biết, dân số huyện là khoảng 103.500 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm 32,2%. Hầu hết đồng bào Khmer theo Phật giáo Nam tông. Khi sinh hoạt tôn giáo tại chùa, ngoài thông tin chính sách dân tộc, tôn giáo, chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước, Hòa thượng Thạch Thảo cùng chư tăng trong Hội thường xuyên tuyên truyền, vận động chư tăng, phật tử, Ban quản trị các chùa chung tay xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Mỗi gia đình tự nguyện, tự giác thực hiện tốt phần việc như cải tạo cảnh quan môi trường, tăng gia sản xuất nâng cao thu nhập, tích cực tham gia các mô hình “trong nhà có mõ, ngoài ngõ có đèn”, “vận động xây dựng đèn đường gắn với tuyến đường hoa”…

Hòa thượng Thạch Thảo tích cực vận động, huy động sự đóng góp của bà con phật tử Khmer tổng nguồn lực trên 2 tỷ để xây cầu, làm đường, gắn đèn đường chiếu sáng, xây dựng nhà đại đoàn kết, tặng quà, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình, an cư lạc nghiệp ổn định cuộc sống.

Còn ở huyện Tiểu Cần có trên 108.000 người dân, đồng bào Khmer chiếm trên 30%. Đây là huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Trà Vinh vào năm 2018.

Thượng tọa Thạch Thưa, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tiểu Cần, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện, sư cả chùa ArunRanSây ChacKrôn (ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần) cho biết, chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần phát triển toàn diện về vật chất, tinh thần cho người dân. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở huyện thêm khởi sắc, hạ tầng hoàn thiện. Những kết quả này có được là nhờ sự đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo; sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền; sự đồng thuận cao, chung tay góp sức của nhân dân.

Thượng tọa Thạch Thưa và Ban quản trị chùa, các chư tăng trong Hội luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm khi tuyên truyền, vận động tăng sinh, bà con phật tử tích cực tham gia, hưởng ứng xây dựng nông thôn mới. Việc này giúp bà con nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự nguyện hiến đất, cây trái hoa màu, vật kiến trúc để xây dựng, mở rộng đường giao thông nông thôn, xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp… Người dân còn trồng hoa, chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm, thực hiện các tiêu chí về môi trường; tăng gia sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình…

Thượng tọa Thạch Thưa cùng các chư tăng phối hợp với chính quyền địa phương thành lập mô hình vận động bà con phật tử chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước; phòng, chống tội phạm trong cộng đồng. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm pháp luật, không mắc tệ nạn xã hội, đoàn kết, tương thân tương ái, xây dựng gia đình văn hóa…

Hòa thượng Thạch Thảo, Thượng tọa Thạch Thưa  là 2 trong số hàng trăm người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Trà Vinh, trở thành “cầu nối” gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương phát triển.

Phát huy vai trò của người có uy tín

Chú thích ảnh
Ông Huỳnh Văn Triều (đi trước), ấp Công Thiện Hùng, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh đã hiến hơn 600 m2 đất để làm đường nông thôn.

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh Thạch Mu Ni cho biết, người có uy tín có vị trí, vai trò rất quan trọng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng trong cộng đồng, được đồng bào tôn vinh, kính phục, bầu chọn và lấy đó là tấm gương để học tập, noi theo.

Tỉnh Trà Vinh hiện có gần 400 người uy tín. Thời gian qua, họ luôn tích cực vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các phong trào thi đua lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nếp sống mới, gương mẫu đi đầu thực hiện mô hình sản xuất, cải tạo vườn tạp, đất trồng để tăng hiệu quả sản xuất, hiến đất làm đường giao thông…

Người có uy tín đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp trên 7,6 tỷ đồng, gần 20.000 ngày công lao động, hiến trên 167.000 m2 đất hoa màu để làm các công trình giao thông nông thôn, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, xây dựng trên 4,8 km đường, 20 cầu giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng; lắp đặt 549 trụ đèn đường; xây dựng 129 mô hình kinh tế bền vững với trên 1.500 hộ tham gia.

Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, người có uy tín thành lập 56 mô hình tổ tự quản giảm nghèo; vận động hơn 5,6 tỷ đồng xây nhả ở cho 190 hộ nghèo, hỗ trợ hơn 670 hộ nghèo tiếp cận nguồn nước sạch sinh hoạt. Họ cũng vận động 4,12 tấn gạo, gần 3,5 tỷ đồng hỗ trợ trên  6.300 lượt hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; vận động các hộ dân cho hộ nghèo mượn 157.450 m2 đất để sản xuất. Đồng thời hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học gần 1,3 tỷ đồng; vận động các nhà hảo tâm mổ mắt miễn phí cho người nghèo; khám chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho hộ khó khăn…  

Người có uy tín tham gia hòa giải kịp thời những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh tại cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”, “điểm phức tạp”; tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục nhiều đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm.

Người có uy tín còn có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp; duy trì, tổ chức các ngày lễ, tết cổ truyền ngày càng văn minh, tiến bộ; giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc...

Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số - điểm tựa của cộng đồng dân cư đã góp phần giúp Trà Vinh cơ bản hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 85/85 xã trong tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, 51 xã nông thôn mới nâng cao, 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hai huyện Cầu Kè và Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trà Vinh quyết tâm phấn đấu trở thành địa phương phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước năm 2030.

Bài và ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)
Người có uy tín trong đồng bào Khmer góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Người có uy tín trong đồng bào Khmer góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Với đặc thù là huyện vùng sâu, có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang đã chủ động xây dựng đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN