Lào Cai gỡ vướng mắc cản trở tiến độ xây nông thôn mới

Cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp để hỗ trợ, đầu tư cho xây dựng nông thôn mới.

Đây là một trong những giải pháp quan trọng được các đại biểu thống nhất đưa ra nhằm tháo gỡ vướng mắc đang cản trở xây nông thôn mới ở Lào Cai tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU, ngày 9/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, được tổ chức vào chiều 9/8.

Chú thích ảnh
Nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Theo đánh giá chung, Chỉ thị 13 thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền Lào Cai từ tỉnh đến cơ sở trong xây dựng nông thôn mới và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, việc triển khai thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại các địa bàn vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức khiến nhiều chỉ tiêu chưa đạt được theo kỳ vọng.

Đến nay, Lào Cai mới có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới là thành phố Lào Cai và huyện Bảo Thắng; chỉ có 63/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 74% kế hoạch giai đoạn; 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 8,06% kế hoạch giai đoạn. Toàn tỉnh có 252 thôn được công nhận “Thôn nông thôn mới”, đạt 28% kế hoạch giai đoạn và 204 thôn được công nhận “Thôn Kiểu mẫu”, đạt 81% kế hoạch giai đoạn. Trong số đó, có 20 thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận “Thôn đạt chuẩn nông thôn mới”, đạt 30% kế hoạch giai đoạn. Một số xã có nguy cơ rớt chuẩn nông thôn mới.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, nhìn chung, tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới còn chậm; việc duy trì mức độ đạt chuẩn tại một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao thực sự rất khó khăn và có nguy cơ bị thu hồi Quyết định công nhận do các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá mới “chạm ngưỡng” đạt chuẩn nên việc duy trì mức độ này còn hạn chế.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những tồn tại yếu kém; đặc biệt đi sâu vào từng nhóm nguyên nhân liên quan đến thể chế, chính sách; từ đó, xác định hướng đi, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo các đại biểu, thời gian tới, cần đặc biệt tiếp tục đa dạng hoá các nguồn vốn huy động, thực hiện xã hội hoá các nguồn lực, thu hút vốn đầu tư của các doanh nghiệp, nguồn lực trong nhân dân; quan tâm cân đối, bổ sung nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện Chương trình; tăng cường huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của 03 Chương trình Mục tiêu quốc gia, ưu tiên nguồn vốn thực hiện các tiêu chí tại các huyện, xã, thôn theo lộ trình phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngoài ra, để giảm thiểu tình trạng một bộ phận cán bộ, nhân dân tại các xã dự kiến hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn phấn đấu đạt chuẩn vì không được hưởng các chế độ an sinh xã hội, tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường khẳng định, Lào Cai sẽ tiếp tục duy trì một số chế độ, chính sách hỗ trợ cho các xã về đích nông thôn mới với đối tượng phù hợp. Điển hình như xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, học sinh bán trú tại địa phương vẫn tiếp tục được hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định từ trước tới nay.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong yêu cầu, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng nông thôn mới, các cơ quan chức năng, địa phương cần xác định rõ công tác xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về xây dựng nông thôn mới, vận động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, đảng viên, cán bộ về các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần tổ chức phát động phong trào thi đua lập thành tích xây dựng nông thôn mới; gắn thi đua hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Tin, ảnh: Hương Thu (TTXVN)
Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới
Phát huy vai trò của người có uy tín trong xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Trà Vinh có tổng dân số trên 1 triệu người, trên 59% là tín đồ tôn giáo, hơn 32% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Khmer chiếm 31,5%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN