Vùng nông thôn Bình Định thiếu nước sinh hoạt mùa nắng nóng

Vừa bước vào mùa nắng nóng, một số vùng nông thôn Bình Định đã thiếu nước sinh hoạt. Trong khi đó, các công trình cấp nước tập trung chưa đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân.

Chú thích ảnh
Vì không có nguồn nước tại chỗ nên hàng ngày người dân thôn Canh Lãnh phải ra con suối cách thôn 3 km để lấy nước về sử dụng.

Tại thôn Canh Lãnh, xã Canh Hòa (huyện Vân Canh), gần một tháng nay, 110 hộ dân với trên 500 nhân khẩu người đồng bào Bana phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng vì các giếng đào, giếng khoan đã khô cạn. Vì không có nguồn nước tại chỗ, hằng ngày, người dân phải ra con suối cách thôn 3 km để lấy nước về sử dụng. Tuy nhiên, con suối này thường xuyên bị khô cạn. Nước suối không đảm bảo vệ sinh, khi sử dụng, người dân có nguy cơ mắc các bệnh về mắt, đường ruột.

Ông Đinh Văn Út, người dân thôn Canh Lãnh cho biết: Giếng nhà ông dù được đào sâu trên 30m nhưng cứ đến mùa nắng nóng, khoảng từ tháng 5-6 là cạn nước. Những lúc trời mưa, giếng có ít nước, ông tranh thủ múc lên dự trữ để dùng trong vài ngày.

Theo báo cáo của UBND huyện Vân Canh, ngoài xã Canh Hòa, người dân ở các xã Canh Liên, Canh Thuận, Canh Vinh với tổng cộng gần 2.500 người đang thiếu nước sinh hoạt. Tổng cộng có gần 800 giếng khoan, giếng đào đã cạn nước.

Chú thích ảnh
Người dân xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) hàng ngày phải đi mua nước sạch về sử dụng vì giếng khô cạn hoặc bị nhiễm phèn, mặn.

Tại huyện Tây Sơn, hiện nay, nhiều giếng đào, giếng khoan của người dân ở các xã Bình Nghi, Bình Hòa, Bình Thuận, Tây An đã bị cạn nước. Nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng, không có mưa đến cuối tháng 7/2021, khả năng có trên 8.700 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt.

Tại xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ), những ngày nắng nóng, người dân phải đi mua nước sạch về dùng. Trong khi đó, nhà máy nước sạch Phù Mỹ đã được triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Hồ Đắc Chương cho biết, hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 26% người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung. Số còn lại phải sử dụng nước từ giếng khoan, giếng đào hoặc các công trình nước sạch phân tán từ chương trình 134, 135 của Chính phủ, nguồn nước không ổn định.

Chú thích ảnh
Người dân thôn Canh Lãnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày khi thiếu nước mùa nắng nóng.

Nguồn lực để xây dựng công trình cấp nước tập trung cho người dân vùng nông thôn hiện gặp khó khăn. Tỉnh phải ưu tiên đầu tư cho những vùng thiếu nước nghiêm trọng nhất. Bên cạnh đó, Bình Định đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Chính phủ cho phép thực hiện Dự án cấp nước sạch bền vững thích ứng biến đổi khí hậu thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự án này có 10 dự án thành phần với việc đầu tư các công trình cung cấp nước sạch bền vững cho những khu vực có nhu cầu bức thiết tại Bình Định như các xã: Bình Thuận, Bình Hòa, Tây Bình, Tây Vinh (huyện Tây Sơn); các xã Mỹ Thắng, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Hiệp, Mỹ Trinh, Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ).

“Đối với các địa phương khác, việc đầu tư công trình cấp nước tập trung cho người dân vùng nông thôn sẽ phải được cân nhắc kỹ. Vì có những nơi, mùa khô thiếu nước từ một đến hai tháng, lúc này người dân cần nước từ nhà máy. Các tháng còn lại không thiếu nước, họ lại không đăng ký sử dụng nữa”, ông Hồ Đắc Chương nói.

Tường Quân (TTXVN)
Huyện miền núi Khánh Vĩnh thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô
Huyện miền núi Khánh Vĩnh thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô

Huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, hiện có 19 hệ thống cấp nước sinh hoạt và 80 giếng khoan cấp nước cho 5.328 hộ dân, nhưng có tới 8 công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt hoạt động kém hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN