Hơn 17 tỷ đồng phòng, chống thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô

Bước vào mùa khô năm 2021, tỉnh Kiên Giang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiếu nước, đảm bảo an toàn nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… với tổng kinh phí thực hiện hơn 17 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Các cống ngăn mặn ven biển huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để giữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Lê Sen/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh xác định vùng có khả năng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô là 2 thành phố Rạch Giá và Hà Tiên, ven sông Cái Lớn, sông Cái Bé, trung tâm các huyện và vùng hải đảo. Tiếp đến, hai Vườn quốc gia Phú Quốc và U Minh Thượng thiếu nước phòng chống cháy rừng.

Để đảm bảo nước sinh hoạt an toàn cho các vùng này trong mùa khô, đơn vị chức năng của tỉnh quản lý, kiểm soát chặt chẽ, vận hành hiệu quả hệ thống cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá, ven sông Cái Bé (Châu Thành).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai vận hành cống Kênh Nhánh (TP Rạch Giá) để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Rạch Giá - Long Xuyên, đảm bảo có đủ nước ngọt cung cấp cho hồ Tà Tây phục vụ Nhà máy nước Rạch Giá.

Ngoài ra, vận hành cống Ba Hòn, kết hợp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Gía - Hà Tiên tại xã Hòa Điền, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương; vận hành công Hà Giang để ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước ngọt cung cấp cho Nhà máy nước Hà Tiên.

Các đơn vị chức năng phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước, chủ động tích trữ nước ở các hồ chứa trên đảo như: Dương Đông, Thổ Chu (Phú Quốc), Bãi Nhà, An Sơn (Kiên Hải), Tiên Hải (TP. Hà Tiên)…

Mặt khác, tỉnh cũng tiến hành thổi rửa các giếng hiện có tại các xã đảo Hòn Tre, An Sơn, Lại Sơn, Nam Du và những khu vực khó khăn về nguồn nước để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân sinh sống trên các đảo; hỗ trợ chi phí vận chuyển nước ra các đảo.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo sở, ngành chức năng tập trung triển khai đầu tư xây dựng các công trình cấp nước theo kế hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo. Đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình cấp nước nông thôn, hồ chứa nước đang xây dựng.

Đặc biệt, tỉnh còn đầu tư khoan thêm giếng để dự phòng và bổ sung nguồn cho các trạm cấp nước, điểm cấp nước tập trung ở vùng nông thôn, biên giới, hải đảo.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng theo dõi, thường xuyên cập nhật nguồn nước và chất lượng nước tại các sông, kênh, rạch để chủ động việc lấy nước cung cấp cho các trạm cấp nước nông thôn sử dụng nước mặt trên địa bàn tỉnh.

Đáng lưu ý, các địa phương rà soát, thống kê những hộ dân ở phân tán thuộc vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có trạm cấp nước, chưa có tuyến ống đi qua, đầu tư hỗ trợ cấp nước nhỏ lẻ bằng bồn nhựa 5 m³ chứa nước và hóa chất xử lý nước khẩn cấp cho những hộ dân này; đầu tư duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các trạm cấp nước xuống cấp, hư hỏng như: Thứ Bảy (An Biên), Thuận Hòa (An Minh), Xà Xiêm (Châu Thành), Thới Quản (Gò Quao), Bình Giang (Hòn Đất) và một số trạm cấp nước trên địa bàn huyện biên giới Giang Thành.

Đối với hai lâm phần Vườn quốc gia U Minh Thượng và Phú Quốc, hai đơn vị này chủ động đắp đập, nạo vét kênh mương, ao hồ trữ nước phòng chống cháy mùa khô.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Người dân các bản nghèo biên giới Mường Lát thiếu nước sinh hoạt
Người dân các bản nghèo biên giới Mường Lát thiếu nước sinh hoạt

Thời gian qua, nhiều hộ dân huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, luôn sống trong tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt, tại một số bản có nhiều người dân tộc Mông, Thái sinh sống đang có nhiều công trình nước sạch xuống cấp hoặc bị hỏng do thiên tai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN