Vùng kiểm soát lũ phía Tây Tiền Giang gồm thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và huyện Tân Phước; trong đó, thị xã Cai Lậy là trung tâm của vùng, có mạng lưới giao thông thủy bộ thuận lợi kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tiểu vùng Đồng Tháp Mười và vùng Đông Nam bộ. Toàn vùng có dân số trên 697.000 người, chiếm khoảng 38,8% dân số toàn tỉnh, gần 94.000 ha đất nông nghiệp; trong đó, đất trồng lúa trên 38.500 ha, đất trồng cây lâu năm gần 55.000 ha, trên 2.600 ha nuôi trồng thủy sản...
Ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất
Thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW đồng thời để thích ứng biến đổi khí hậu, Tiền Giang đã triển khai chủ trương "chung sống với lũ" tại các địa bàn đầu nguồn.
Vùng phía nam Quốc lộ 1 đầu tư xây dựng mạng lưới đê bao ngăn lũ khép kín, chuyển đổi từ trồng lúa bấp bênh sang trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản xuất khẩu. Vùng trồng lúa phía bắc Quốc lộ 1 tập trung nâng cao chất lượng nông sản gắn với liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, giải quyết đầu ra cho hạt gạo hàng hóa.
Tỉnh triển khai đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Tân Phước; xây dựng vùng nguyên liệu trên các cây trồng chủ lực: lúa, sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, dứa, thanh long, bưởi da xanh, phát triển nuôi cá tra ven sông Tiền; hoàn chỉnh dự án chuỗi giá trị cây sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2025; triền khai xây dựng Đề án "Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025".
Đến nay, địa phương xây dựng vùng chuyên canh sầu riêng khoảng 14.000 ha, các giống Ri6 và Mong Thong chất lượng cao, sản lượng thu hoạch mỗi năm trên 300.000 tấn quả. Đặc biệt, thông qua đề tài "Tạo lập, quản lý và quảng bá nhãn hiệu tập thể Sầu riêng Cai Lậy", Tiền Giang được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cai Lậy" cho Hội Làm vườn huyện Cai Lậy. Đây là bước đi quan trọng mở đường đưa trái sầu riêng chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Được sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức phát triển Australia (AusAID), Tiền Giang hoàn thành dự án Ba Rày – Phú An qui mô gồm 7 xã huyện Cai Lậy và 1 xã của huyện Cái Bè (gọi tắt là các tiểu dự án thuộc dự án RETA) có tổng vốn đầu tư trên 335 tỷ đồng. Dự án hoàn thiện hệ thống cống đập và đê bao ngăn lũ, ngăn mặn, tiêu úng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ 4.540 ha vùng trồng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu.
Tỉnh cũng chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn cho sức khỏe và môi trường VietGAP, GlobalGAP, cơ giới hóa trong các khâu canh tác, sử dụng chế phẩm sinh học… trên cây sầu riêng nhằm giảm chi phí sản xuất vừa nâng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Toàn vùng đã có gần 200 ha sầu riêng được chứng nhận đạt VietGAP hoặc GlobalGAP.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tinh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đánh giá, nhờ các giải pháp kỹ thuật áp dụng vào sản xuất giảm chi phí đầu tư cho cây sầu riêng trên 27 triệu đồng/ha/năm so với thời điểm năm 2017, đồng thời nâng lợi nhuận lên từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm. Với lợi thế về năng suất, sản lượng cao, phẩm chất tốt, có giá trị xuất khẩu lớn, sầu riêng đang thực sự là cây làm giàu cho vùng ngập lũ đầy khó khăn phía nam Quốc lộ 1 thuộc huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy.
Đối với cây lúa, từ nguồn vốn của dự án VnSAT (Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ), trong giai đoạn 2015 – 2020, 20 xã thuộc các huyện vùng lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) là Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy được hỗ trợ đầu tư trên 329 tỷ đồng chủ yếu thông qua các hợp tác xã nông nghiệp để xây dựng nhà kho, sân phơi, máy móc, trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa sản xuất… nhằm nâng cao năng lực kinh tế tập thể trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Trong khuôn khổ dự án, tỉnh triển khai 04 tiểu dự án "Nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa" các xã Hậu Mỹ Trinh, Mỹ Hội, Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè); Mỹ Phước Tây (thị xã Cai Lậy). Từ khi triển khai đến nay, toàn vùng mở 755 lớp đào tạo nông dân về 3 giảm 3 tăng, 414 lớp đào tạo 1 phải 5 giảm thu hút hàng trăm ngàn lượt nông dân, vượt 32% chỉ tiêu đề ra của dự án. Theo đánh giá, lợi nhuận trung bình mỗi ha sản xuất lúa theo quy trình canh tác bền vững tăng 22,5% so với vùng sản xuất bên ngoài dự án.
Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang còn triển khai Dự án "Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2025" tại các huyện vùng lũ. Tham gia Dự án, nông dân được hướng dẫn ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, giống lúa xác nhận, sử dụng máy cấy lúa kết hợp vùi phân bón thông minh, biện pháp 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận canh tác.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè Phan Văn Khanh, trong năm 2021, diện tích thực hiện gần 500 ha tại các xã trọng điểm: Hậu Mỹ Bắc B, Hậu Mỹ Bắc A và Hậu Mỹ Trinh. Qua khào sát, lợi nhuận mỗi ha tăng thêm từ 3.409.000 đồng đến 3.746.000 đ so với sản xuất bình thường. Trong năm 2022, huyện Cái Bè tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao lên gần 1.000 ha.
Tỉnh phát huy vai trò các hợp tác xã nông nghiệp, quan tâm đầu tư kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng gắn với xây dựng xã nông thôn mới, tích cực hỗ trợ và khuyến khích các địa phương trong vùng xây dựng chuỗi giá trị trên các cây trồng chủ lực: lúa, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, sầu riêng, dứa (khóm), cây ăn quả có giá trị kinh tế khác…
Trước mắt, triển khai xây dựng và hình thành các sản phầm liên kết vùng như: trên cây sầu riêng với quy mô khoảng 11.000 ha tại hai địa phương là Cai Lậy và thị xã Cai Lậy; chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, chế biến sản phẩm từ dứa (khóm) và thanh long ở huyện Tân Phước nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, trong đó dứa khoảng 15.000 ha, thanh long khoảng 1.000 ha.
Giám đốc Nguyễn Văn Mẫn cho biết, trong tương lai, phát huy vai trò kết nối giao thương vùng của tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vừa mới được đưa vào sử dụng, địa phương tập trung củng cố, nâng chất vùng trồng cây ăn quả đặc sản phía Nam Quốc lộ 1; từng bước chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, rau màu khu vực giữa Quốc lộ 1 và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ nâng chất vùng sản xuất lúa gạo tập trung phía Bắc cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tiếp giáp Đồng Tháp Mười.
Bứt phá xây dựng nông thôn mới
Với những giải pháp đúng hướng và bước đi thích hợp, vùng phía kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang đang vượt qua thiên tai, lũ lụt; xác lập một diện mạo mới, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Giá trị sản xuất của vùng hiện tăng bình quân hàng năm từ 12,5% đến 13,5%; tổng giá trị tăng thêm tăng bình quân từ 8,5% đến 9,5%/ năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 71,5 triệu đồng/ người/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm xuống dưới 2%... Kinh tế khởi sắc, đời sống nhân dân thịnh vượng, nông thôn, nông nghiệp đổi thay đến tận gốc rễ, mạnh bước đi lên trên con đường phồn vinh.
Nhiều địa phương bứt phá trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thị xã Cai Lậy đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Huyện Cai Lậy phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Các huyện còn lại như: Cái Bè, Tân Phước đang phấn đấu ra mắt huyện nông thôn mới trước năm 2025…