Hoàn thiện quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 5/2020, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thiện quy hoạch và được Hội đồng thẩm định bao gồm lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhất trí thông qua.

Chú thích ảnh
Một góc đô thị phía Tây thành phố Thái Nguyên.

Theo quy hoạch mới, Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe, du lịch, dịch vụ; xây dựng thành phố Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2050, Thái Nguyên phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng, là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước, là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn, thịnh vượng.

Về kinh tế, Thái Nguyên phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế thời kỳ 2021 - 2030 từ 8 đến 8,5%/năm; cơ cấu kinh tế GRDP năm 2030 ngành công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 60,0%; ngành dịch vụ chiếm 32,8%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 7,2%; quy mô kinh tế (GRDP) năm 2030 đạt khoảng 13,5 tỷ USD; GRDP bình quân/người năm 2030 đạt khoảng 8.883 USD...Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2020 - 2030 phấn đấu đạt 58,92%; số xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2030 là 95%; tỷ lệ bác sỹ và giường bệnh trên 10.000 người năm 2030 đạt 19,0/55; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên dân số năm 2030 là 100%; tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia năm 2030 là 95%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều duy trì mức giảm hàng năm đến năm 2030 là 1%...

Quy hoạch cũng xác định các giải pháp đột phá phát triển, trong đó tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội; đẩy mạnh việc chuyển đổi số xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du miền núi phía Bắc...Bên cạnh đó, quy hoạch đã đưa ra phương hướng phát triển các ngành quan trọng và lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội, phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng, phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện và vùng huyện...

Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định, trên cơ sở kết quả thẩm định, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc tiếp thu đầy đủ và khẩn trương hoàn thiện các nội dung theo ý kiến của Hội đồng thẩm định, hoàn thành các nội dung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Thái Nguyên trong quý III năm 2022.

Tin, ảnh: Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam
Hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam

Trong hai ngày 4-5/6, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN