Vĩnh Long: Xây dựng 3 kịch bản phòng, chống hạn, mặn do tác động của El Nino

Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long vừa ban hành Kế hoạch phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino nhằm bảo vệ sản xuất và dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Chú thích ảnh
Công trình Cống Vũng Liêm góp phần phục vụ ứng phó xâm nhập mặn tại huyện Vũng Liêm. Ảnh (tư liệu): Lê Thúy Hằng/TTXVN

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tượng El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta từ cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023. Trong những tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất khoảng 85%-95%. Ảnh hưởng của hiện tượng này khiến cho thời tiết khu vực cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng sẽ diễn biến bất thường, nhất là nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt có khả năng xảy ra trong các tháng đầu năm 2024.

Để chủ động ứng phó, tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng 3 kịch bản hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra, nhằm đảm bảo nhu cầu nước cho hoạt động sản xuất và cấp nước sinh hoạt cho người dân trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ra gay gắt trong giai đoạn 2023-2025 do tác động của hiện tượng El Nino.

Theo đó, trường hợp xâm nhập mặn nhẹ hơn mùa khô năm 2015-2016, mực nước sông rạch sụt giảm nhẹ, toàn tỉnh có 5.554 ha diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn dưới 3 phần ngàn, chủ yếu ở 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn. Bên cạnh đó, tỉnh có 16.133 ha lúa, 2.793 ha rau màu và 2.132 ha cây lâu năm bị hạn thiếu nước.

Trường hợp xâm nhập mặn như mùa khô 2015-2016, mực nước sông rạch sụt giảm mạnh, diện tích tự nhiên của tỉnh bị nhiễm mặn dưới 8 phần ngàn là 34.485 ha, chủ yếu ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và Mang Thít. Toàn tỉnh có 28.983 ha lúa, 4.666 ha rau màu và 21.720 ha cây lâu năm bị hạn thiếu nước. Đồng thời, số dân sử dụng nguồn nước nhiễm mặn ở thời điểm cao nhất là 59.868 người.

Đặc biệt, trường hợp xâm nhập mặn rất sâu, độ mặn lên rất cao như xảy ra trong mùa khô 2019-2020, mực nước sông rạch rất thấp, trong biên mặn từ 1 - 10 phần nghìn, toàn tỉnh sẽ có 6/8 địa phương bị ảnh hưởng. Dự báo tỉnh sẽ có 68.182 ha diện tích tự nhiên bị nhiễm mặn, tập trung tại các huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình và thị xã Bình Minh; có 32.062 ha lúa, 7.300 ha rau màu và 36.016 ha cây lâu năm bị hạn thiếu nước. Bên cạnh đó, tỉnh có 76.474 người dân tại 51 trạm cấp nước sạch có thời đoạn đã sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn; có 46 xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.

Đối với tình huống trên, tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình nhằm hạn chế thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của người dân.

Theo đó, tỉnh tổ chức vận hành tốt những công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, cấp nước tưới đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và công trình nước sạch hiện có đảm bảo cấp nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Tỉnh tổ chức nạo vét một số kênh chính, kênh tạo nguồn, đắp đập, đê bao ngăn mặn, sửa chữa các cống, đập điều tiết nước. Trong đó, các địa phương ưu tiên đầu tư nạo vét kênh mương, đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng, đắp đập thời vụ ngăn mặn và trữ ngọt chống hạn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh cấp hỗ trợ nước sạch đóng thùng để uống, dụng cụ chứa nước ngọt cho hộ dân sử dụng nước bị nhiễm mặn và chưa có nước máy, hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt, hộ ở nông thôn chưa có nước máy sử dụng; khai thác các giếng khoan nước ngầm đã có với hơn 10.000 giếng bơm riêng lẻ và các giếng khoan cấp nước tập trung ở các huyện Vũng Liêm và Trà Ôn.

Các kịch bản nhằm đảm bảo nước tưới cho diện tích từ 38.000-40.000 ha lúa, khoảng từ 19.200- 23.800 ha cây màu của vụ Đông-Xuân, vụ Hè-Thu mỗi năm (từ năm 2023-2025) và hơn 68.300 ha cây lâu năm hiện có trong tỉnh. Trong đó, tỉnh đảm bảo ngăn mặn, cấp nước tưới cho hơn 20.000 ha lúa Hè-Thu, hơn 3.700 ha cây màu ở các huyện bị nhiễm mặn cao trên bốn phần ngàn.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng lên phương án đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân khi hạn, mặn xảy ra, đặc biệt chú trọng cấp nước sinh hoạt cho hơn 19.380 hộ ở nông thôn hiện chưa có nước máy sử dụng, hộ ở trong nội đồng xa kênh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt trong trường hợp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt dẫn đến nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, nhiễm mặn.

Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Quyết liệt, đồng bộ ứng phó xâm nhập mặn
Quyết liệt, đồng bộ ứng phó xâm nhập mặn

Ngày 6 - 7/12, HĐND tỉnh Bến Tre khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổ chức kỳ họp thứ 11, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2023, thảo luận, quyết nghị những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN