Từ ngày 1-10/6, chiều sâu ranh mặn 4 phần nghìn có khả năng xâm nhập mặn trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây là 40 - 50km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại là 30 - 35km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên là 30 - 35km; sông Hậu là 25 - 30km; sông Cái Lớn là 20 - 30km. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long: Cấp 1-2.
“Hiện tại đã bắt đầu bước vào mùa mưa lũ trên các sông tại khu vực Nam Bộ, do vậy tình hình xâm nhập mặn sẽ giảm và không ảnh hưởng nhiều đến người dân nơi đây. Các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tiếp tục theo dõi, cập nhật kịp thời các thông tin dự báo thủy văn hàng ngày trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ: www.nchmf.gov.vn và các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó. Đây là bản tin dự báo xâm nhập mặn trên khu vực Nam Bộ cuối cùng của mùa khô năm 2022-2023”, Trưởng phòng Phùng Tiến Dũng lưu ý.
Theo Cục thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng Đông Nam Bộ có phần lớn diện tích cây trồng nằm ngoài khu vực công trình thủy lợi (hơn 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp), đây là các khu vực không chủ động về nguồn nước và phụ thuộc rất lớn vào lượng mưa mùa khô. Vì vậy, trong vùng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ nếu nắng nóng kéo dài và không có mưa. Do vậy, các địa phương trong khu vực cần sử dụng nước tiết kiệm và phân phối hợp lý để bảo đảm đủ cung cấp cho cả vụ Hè Thu 2023, đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.
Các địa phương cần tiếp tục tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp, phục vụ nông nghiệp và dân sinh.
Từ tháng 2-5/2023, tình hình xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân.
Ngay trong những tháng đầu năm 2023, tại tỉnh Bến Tre, độ mặn hơn 4 phần nghìn đã xâm nhập vào các sông chính cách cửa sông hơn 60 km; tại các tuyến sông nhánh, nội đồng, các đập tạm trữ nước đều bị nhiễm mặn trung bình hơn 2 phần nghìn.
Nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của hằng trăm hộ dân ở khu vực thượng nguồn sông Ba Lai đang dần khan hiếm nghiêm trọng. Nguyên nhân là do nguồn nước sông Hàm Luông đã bị nhiễm mặn dẫn đến các cống phải đóng kín để ngăn nước mặn xâm nhập vào mương vườn. Chính vì vậy, nhiều hộ dân trồng cây ăn quả đặc sản như sầu riêng, chôm chôm ở xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre như “ngồi trên đống lửa” khi mà lượng nước ngọt ở các mương vườn đang dần cạn kiệt trước cái nắng gay gắt của những ngày cao điểm hạn mặn cuối tháng 3.
Tại Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn đã diễn biến phức tạp, độ mặn trên các tuyến sông Hậu, sông Mỹ Thanh có xu hướng tăng cao trong các đợt triều cường.
Tại thành phố Đà Nẵng, những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5/2023, nước sông Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng) xảy ra hiện tượng xâm nhập mặn, độ mặn tại cửa thu của Nhà máy nước Cầu Đỏ tăng cao so với thời điểm bình thường, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn cấp nước của thành phố Đà Nẵng, tình trạng này đã ảnh hưởng xấu đến nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt tại địa phương.
Các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng đã chủ động nhiều giải pháp ứng phó phù hợp với tình hình xâm nhập mặn, đảm bảo cuộc sống người dân như chủ động theo dõi tình hình xâm nhập mặn trên các sông chính, tiếp tục duy trì đo kiểm tra độ mặn tại các công trình đầu mối và các vị trí đầu nguồn nước tưới để có cơ sở vận hành, các cống; phối hợp chặt chẽ trong việc vận hành các cống kịp thời ngăn mặn và đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho từng khu vực.
Một số địa phương tổ chức đo mặn tại các tuyến kênh, rạch nội đồng nhằm cung cấp số liệu cho người dân để chủ động ứng phó; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức thăm vườn, thăm đồng, hướng dẫn nông dân chăm sóc tốt cây trồng, vật nuôi trong điều kiện xâm nhập mặn; phát động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát hoang, vớt rác, tuyên truyền giữ vệ sinh trên các tuyến kênh nội đồng nhằm hạn chế ô nhiễm, tăng cường lưu thông nguồn nước...