Để đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu cung cấp trong thời gian thực hiện giãn cách, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với các địa phương có phương án dự trữ nguồn hàng hóa, điều tiết hoạt động các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên khẳng định, hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách vẫn được đảm bảo. Tỉnh khuyến cáo người dân bình tĩnh, không mua hàng tích trữ nhiều mà chỉ mua đủ dùng trong 2-3 ngày. Người dân có thể mua hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã được tỉnh công bố danh sách, tăng cường đặt hàng online để hạn chế ra ngoài, thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách xã hội.
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 115 chợ truyền thống, hơn 50 siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang hoạt động ở tất cả các địa phương. Để người dân tiện trong việc mua sắm hàng hóa thiết yếu, Sở Công Thương tỉnh đã công bố danh sách 51 điểm bán, đồng thời hướng dẫn các loại hình kinh doanh hàng hóa thiết yếu thuộc ngành công thương quản lý được phép kinh doanh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Các đơn vị cam kết đảm bảo lượng hàng đủ nhu cầu người dân, kèm theo hình thức bán hàng trực tuyến, online và giao hàng tận nơi.
Chợ Vĩnh Long (thành phố Vĩnh Long) hiện có hơn 500 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thiết yếu đang hoạt động và đảm bảo cung ứng lượng hàng hóa đầy đủ cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách. Theo Trưởng Ban Quản lý chợ Vĩnh Long Nguyễn Thị Tố Quyên, trước ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, tại chợ có tình trạng người dân đổ xô đến mua các loại rau, củ, quả, thịt cá... khiến giá các mặt hàng này tăng nhẹ. Tuy nhiên, qua khảo sát tình hình tại chợ, hiện nay sức mua đã giảm. Các tiểu thương cam kết đảm bảo hàng hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, giá hàng hóa cũng ổn định trở lại.
Bà Nguyễn Thị Tố Cầm (tiểu thương chợ Vĩnh Long) cho biết, do người dân hoang mang, sợ không đủ hàng nên ùn ùn đi mua, chứ hàng hóa thì vẫn dồi dào. Ở đây Ban quản lý chợ thông báo rất rõ các mặt hàng thiết yếu như rau, thịt, cá vẫn được phép bán tại chợ trong thời gian giãn cách, tiểu thương vẫn buôn bán bình thường.
Tại chợ Vũng Liêm (huyện Vũng Liêm), Giám đốc Hợp tác xã chợ Nguyễn Văn Tươi cho biết, chợ có khoảng 300 tiểu thương nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 60% hộ kinh doanh các mặt hàng thiết yếu là đang hoạt động. Trong quá trình hoạt động, các hộ tiểu thương và người dân phải tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, đảm bảo an toàn cho chợ.
Song song với các chợ truyền thống, hiện nay tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi hàng hóa cũng dồi dào. Nhiều đơn vị đã có kế hoạch dự trữ, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân.
Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long Văn Quốc Hoàng cho biết, trong ngày trước khi thực hiện giãn cách, lượng khách hàng tăng gấp đôi so với ngày thường. Siêu thị đã chủ động tăng nguồn hàng và lực lượng nhân viên để giải quyết nhanh các đơn hàng, đảm bảo nhu cầu người dân. Siêu thị mở cửa hoạt động từ 6g30 đến 22g mỗi ngày, tuy nhiên sức mua giảm hơn do người dân bắt đầu thực hiện giãn cách. Để đảm bảo nguồn hàng dồi dào, siêu thị đã dự trữ lượng hàng thiết yếu trong kho với giá trị hơn 7 tỷ đồng; hàng hóa vẫn được nhập về thường xuyên; trong đó tăng nguồn dự trữ các nhóm mặt hàng thiết yếu như: đồ hộp, gạo, nhóm gia vị, hàng đông lạnh, sữa, rau củ quả, thịt cá tươi sống...
Ông Văn Quốc Hoàng chia sẻ, người dân không mua tích trữ nhiều vì như thế không đảm bảo an toàn thực phẩm, tập trung đông người dễ lây lan dịch bệnh, đồng thời tạo sự khan hiếm giả, ảnh hưởng giá cả hàng hóa. Tùy tình hình siêu thị sẽ điều tiết nguồn hàng để vừa đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng vừa bình ổn giá, đồng hành cùng người dân trong thời gian giãn cách. Ngoài ra, siêu thị cũng tăng cường bán online, giao hàng tận nơi để tạo thuận lợi cho khách. Lượng khách đặt hàng online và giao tận nhà những ngày qua đã tăng hơn 30%.
Ngoài ra, để góp phần ổn định thị trường trong giai đoạn hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long đã ra quân kiểm tra, nhắc nhở các điểm bán hàng, hộ tiểu thương, cửa hàng tiện lợi, siêu thị và cho ký cam kết không tăng giá bất hợp lý, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không lợi dụng tình hình bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ… Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cũng thông báo địa chỉ tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh và đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận tin báo, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động mua bán, sản xuất, kinh doanh. Qua kiểm tra thực tế việc người dân đến chợ mua hàng tăng là có xảy ra nhưng chưa phát hiện việc mua gom hàng, găm hàng, nâng giá làm bất ổn thị trường.
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh
Song song với việc duy trì hoạt động của các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi, tỉnh Vĩnh Long tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai nhiều giải pháp thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, hạn chế số người tập trung tại chợ trong một thời điểm, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Tại thành phố Vĩnh Long, lãnh đạo thành phố đã có văn bản về việc thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Theo đó, UBND các phường thực hiện phương án phân chia tần suất đi chợ bằng phiếu đối với các hộ gia đình trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, đồng thời quy định ngày vào chợ và cấp thẻ vào chợ, đảm bảo cứ 2 ngày đi chợ một lần, luân phiên giữa các hộ gia đình. Ngoài ra, các địa phương triển khai các đoàn thể tăng cường tổ chức hoạt động "đi chợ thay", "đi chợ online" và các hình thức phù hợp khác để hạn chế tập trung đông người tại chợ.
UBND thành phố Vĩnh Long cũng yêu cầu ban quản lý các chợ trên địa bàn tăng cường kiểm soát và bố trí nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt tại lối vào chợ, yêu cầu người bán và người mua giữ khoảng cách tối thiểu 2m, đeo khẩu trang trong suốt thời gian họp chợ. Các chợ thành lập Tổ kiểm tra an toàn COVID-19, triển khai ứng dụng quét mã code QR tại các chợ để người dân thực hiện khai báo y tế điện tử.
Trưởng Ban Quản lý Chợ Vĩnh Long Nguyễn Thị Tố Quyên cho biết, thực hiện việc phòng, chống dịch, ban quản lý đã yêu cầu 800 tiểu thương kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu tạm ngưng hoạt động. Một số tiểu thương kinh doanh hàng thiết yếu nhưng nhỏ lẻ cũng chủ động tạm ngưng kinh doanh để đảm bảo an toàn. Hàng ngày, ban quản lý chợ phát loa tuyên truyền nhắc nhở tiểu thương và người dân đeo khẩu trang khi ra vào khu vực chợ, bố trí nước rửa tay tại nhiều vị trí trong chợ. Ban quản lý lập 5 tổ kiểm soát người ra vào, đo thân nhiệt, yêu cầu đeo khẩu trang và phân luồng người ra vào. Ngoài ra, tổ kiểm soát lưu động thường xuyên đi đến các quầy sạp kiểm tra và nhắc nhở tiểu thương, người dân thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang khi mua bán hàng hóa.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên cho biết, Sở đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, nhắc nhở các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... tiếp tục thực hiện nghiêm, tuyệt đối không được lơ là chủ quan, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Cùng với đó, Sở yêu cầu các địa phương chỉ đạo ban quản lý các chợ truyền thống bố trí, sắp xếp vị trí ngồi của các tiểu thương, phân luồng đảm bảo "đầu vào, đầu ra", có phương án đảm bảo giảm lượng người vào chợ trong cùng một thời điểm. Sở cũng phối hợp với các đơn vị kiểm tra để giải tỏa các chợ tự phát, hạn chế tình trạng tụ tập đông người dễ dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh: "Người dân hạn chế tập trung mua hàng, thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách và phòng, chống dịch. Hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách vẫn được đảm bảo. Nếu các trường hợp dịch bệnh phức tạp, chợ truyền thống ngưng hoạt động thì vẫn còn có hệ thống cửa hàng tiện lợi. Nếu trong trường hợp cả chợ truyền thống và cửa hàng tiện lợi tại địa phương phải đóng cửa thì ngành công thương vẫn còn phương án tổ chức các điểm bán lưu động để phục vụ cho người dân".