Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạnh Phước đã nỗ lực bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại cuộc sống mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
Thạnh Phước có diện tích tự nhiên hơn 5.300 ha, hơn 2.900 hộ với khoảng hơn 10.000 nhân khẩu. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với hai địa phương là xã Thới Thuận và Thừa Đức, Thạnh Phước là trong những địa bàn trọng điểm, nơi đứng chân của nhiều cơ quan kháng chiến của tỉnh Bến Tre như: Nhà in Chiến Thắng, công trường sản xuất vũ khí của tỉnh, Trường Đảng Trần Trường Sinh, nơi cất giữ vũ khí (căn cứ A100) của tỉnh và các tỉnh lân cận như Cà Mau, Trà Vinh… phục vụ cho chiến trường miền Nam.
Qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, địa phương có 12 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 331 liệt sỹ và hàng trăm gia đình có công với cách mạng. Sau giải phóng, năm 1978, Thạnh Phước là một trong hai địa phương đầu tiên của huyện Bình Đại được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2005, địa phương là xã đầu tiên trong tỉnh Bến Tre được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Ông Nguyễn Văn Ron (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại) là người con của quê hương Thạnh Phước. Nói đến đời sống kinh tế, nhất là sự đổi thay của quê hương, phấn khởi chia sẻ, giờ đây, địa phương có sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng. Minh chứng rõ nhất là đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển hơn.
Về xã Thạnh Phước, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay của một vùng quê nghèo khó. Thạnh Phước đã khoác lên mình “chiếc áo mới” với những con đường nhựa, đường bê tông hóa len lỏi qua từng xóm, ấp thay cho những con đường đất lầy lội, khó đi trước đây. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn khang trang hơn, đời sống nhân dân được cải thiện. Địa phương đã trở thành xã có kinh tế phát triển khá của huyện Bình Đại.
Ông Lê Vũ Minh, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phước cho biết, kinh tế mũi nhọn của địa phương là nuôi trồng thủy sản với các mô hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh và nuôi tôm trong rừng ngập mặn cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp với từng vùng sinh thái như chuyển những vùng sản xuất lúa năng suất thấp sang nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, quảng canh và nuôi xen một vụ lúa - một vụ tôm…
Đến nay, tổng diện tích nuôi thủy sản các loại của xã đạt gần 4.000 ha; trong đó, nuôi thâm canh diện tích tăng lên hơn 700 ha, diện tích nuôi quảng canh tôm lúa, tôm muối và quảng canh xen rừng gần 2.700 ha; sò huyết 210 ha. Gần đây, địa phương phát triển mạnh mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao với diện tích 354 ha và hoàn thành việc xây dựng chuỗi giá trị tôm. Ngoài sản xuất thủy sản, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Thạnh Phước phát triển mạnh với 128 con lợn, 1.152 con bò; trên 1.530 con dê... qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, năm 2005, với sự đoàn kết, quyết tâm của hệ thống trị và nhân dân, Thạnh Phước xây dựng thành công xã văn hóa. Đến tháng 10/2020, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Chất lượng, hiệu quả giáo dục ở các bậc học mỗi năm đều tăng; tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu.
Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phước Lê Vũ Minh cho hay, nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã đã triển khai, thực hiện đạt và vượt 18/25 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. Hiện tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 2,4%; thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/năm. Đảng bộ xã hiện có 256 đảng viên, 14 chi bộ trực thuộc, trong đó có 7 chi bộ ấp. Hiện địa phương có 3/7 chi bộ ấp đạt “trong sạch, vững mạnh toàn diện”.
Năm 2023, Đảng ủy xã đăng ký với Huyện ủy xây dựng thêm 3 chi bộ ấp theo mô hình này. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã đã đầu tư xây dựng các công trình xây dựng cơ bản với tổng kinh phí gần 155 tỷ đồng. Đến nay, các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, từng bước phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã nhấn mạnh, phát huy truyền thống xã hai lần Anh hùng, thời gian tới, Thạnh Phước tập trung mọi nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Địa phương xác định các nhiệm vụ đột phá tập trung thực hiện như: Xây dựng Đảng bộ, chính quyền trong sạch, vững mạnh; thu hút đầu tư và phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn; xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2023 và đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2025.
Cùng với đó, Thạnh Phước tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản; giữ vững diện tích nuôi thủy sản theo hướng bền vững, tăng diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh; nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; ổn định diện tích nuôi sò huyết. Xã tiếp tục củng cố và nâng chất hoạt động Ban Quản lý vùng nuôi ở các ấp nhằm phát huy tốt ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường nuôi, duy trì hoạt động hiệu quả Hợp tác xã thủy sản sinh thái và các tổ hợp tác.
Chiến tranh đã lùi xa, chặng đường phía trước dù còn nhiều khó khăn, thử thách, Đảng bộ Thạnh Phước quyết tâm giữ vững danh hiệu xã văn hóa; danh hiệu Anh hùng trong kháng chiến và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội; phấn đấu đưa địa phương ngày càng chuyển mình vươn lên trở thành vùng quê cách mạng trù phú trong tương lai.