Dự kiến phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025 dành cho tỉnh Sóc Trăng là hơn 3 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo rà soát phạm vi, địa bàn, đối tượng, nội dung chính sách, nhu cầu vốn cho giai đoạn này giảm xuống còn gần 2,5 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn này sẽ tập trung vào các dự án chính, gồm: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch...
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải thống nhất với báo cáo và đề nghị kinh phí thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Sóc Trăng; ghi nhận ý kiến của tỉnh về việc thành lập Trường Đại học dự bị dân tộc tại tỉnh. Ông Lê Sơn Hải nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là một trong ba chương trình mục tiêu quốc gia, với số vốn đầu tư lớn. Vì vậy, tỉnh Sóc Trăng cần đưa dự án vào kế hoạch hành động của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới. Bên cạnh đó, tỉnh nhanh chóng xây dựng đề án, thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời chọn điểm chỉ đạo thực hiện Đề án để tập trung chỉ đạo và rút kinh nghiệm.
Tỉnh Sóc Trăng có hơn 30% dân số là đồng bào Khmer sinh sống. Tỉnh đã triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2019, địa phương còn khoảng 16.000 hộ nghèo, chiếm hơn 4,9%. Trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc Khmer còn hơn 7.600 hộ, chiếm trên 7,6% tổng số hộ Khmer của tỉnh; hộ cận nghèo dân tộc Khmer là hơn 14.700 hộ.
Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sản xuất nông nghiệp, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, việc tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hạn chế nên đời sống còn nhiều khó khăn. Kinh tế - xã hội phát triển chậm so với tốc độ chung của tỉnh. Hạ tầng cơ sở còn nhiều yếu kém, nhất là tình trạng không có đất ở, nhà ở, điện, nước sinh hoạt trong một bộ phận dân cư. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp. Vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 tiếp tục là cơ hội, là điều kiện để vùng đồng bào tiếp tục khởi sắc, vươn lên.