Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Phú Yên là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ nhưng có tới 31 dân tộc cùng sinh sống.

Chú thích ảnh
Gia đình anh HVing H Điếp tại buôn Học, xã Krông Pa (Sơn Hòa, Phú Yên) thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản. 

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với sự nỗ lực trong sản xuất, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Yên đã vươn lên thoát nghèo.  Điều này khẳng định sự đúng đắn trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước.

Xã miền núi Krông Pa nằm ở phía Tây huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là xã có 2/3 dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và chỉ cách xã Chư Ngọc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) khoảng 10km.

Đường về buôn Học, buôn Lé của xã Krông Pa bây giờ không còn đường đất như xưa mà đã được đổ bê tông phẳng lỳ. Những căn nhà sàn của đồng bào Chăm’H Roi, Ê Đê được lợp ngói đỏ. Dọc bên đường là cánh đồng lúa chín chuẩn bị thu hoạch. 

Chị Ksor H Prới, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ buôn Học cho biết: "Buôn Học hôm nay đã bớt nghèo hơn nhiều. Trong buôn, nhiều nhà có lúa ăn, có gà, có bò để nuôi…" 

Nhiều hộ trong buôn mới thoát nghèo. Gia đình anh HVing H Điếp ở buôn Học, xã Krông Pa là hộ thoát nghèo từ nguồn vốn vay phát triển kinh tế của Ngân hàng Chính sách xã hội. Năm 2012, anh HVing H Điếp vay 15 triệu đồng của ngân hàng để mua bò chăn nuôi. Sau khi bò sinh sản, kinh tế gia đình bắt đầu phát triển. Từng là hộ nghèo, đến năm 2015, gia đình chỉ còn là hộ cận nghèo rồi thoát nghèo vào năm 2019. Đến nay, gia đình anh tiếp tục duy trì việc chăn nuôi bò sinh sản và đàn bò đã tăng lên 9 con.

Chú thích ảnh
Gia đình chị HVing H Trấc (trái) tại buôn Học, xã Krông Pa (Sơn Hòa, Phú Yên) thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò.

Anh HVing H Điếp vui mừng chia sẻ: "Từ lâu, tôi đã ước mơ có một con bò để phát triển kinh tế gia đình. Trong thời gian nuôi, bò khỏe mạnh, sinh đẻ nhanh lại bán được giá. Giờ cái nghèo không còn nữa, mình tăng đàn để nuôi thêm. Vốn vay không phải lo vì Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ với lãi suất ưu đãi. Cái chính là phải chịu khó làm ăn".

Gia đình HVing H Điếp chỉ là một trong số những hộ thoát nghèo của xã Krông Pa. Nếu như đầu năm 2019, xã có 394 hộ nghèo/867 hộ (chiếm 45,44%), đến nay có 63 hộ đã thoát nghèo (giảm 8%). Số hộ thoát nghèo tăng là nhờ việc nhiều người dân đã tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi. 

Ông Lê Trọng Khoan, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Hòa cho biết: Ngân hàng đã thực hiện cho vay 579 lượt hộ tại xã Krông Pa, tổng vốn giải ngân hơn 6,8 tỷ đồng. Nguồn vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đặc biệt, năm 2020, Ngân hàng phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhân rộng dự án giảm nghèo bền vững tại 6 buôn, tổng nguồn kinh phí đầu tư 150 triệu đồng với 13 hộ nghèo tham gia chăn nuôi bò sinh sản. Thời gian thực hiện là 3 năm (từ tháng 7/2020 - 7/2023).

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong giai đoạn 2016-2020, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên được thụ hưởng đầy đủ các chương trình, dự án và chính sách an sinh xã hội liên quan đến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đời sống, thực hiện chính sách giảm nghèo.

Đối với nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Yên tính đến 30/6/2020 là hơn 3 tỷ đồng, tăng hơn 1,8 tỷ đồng so với 31/12/2010; tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,92%/năm.

Hiện nay, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh (bình quân mỗi năm giảm từ 4-5%).Thu nhập bình quân đầu người khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống đạt gần 14 triệu đồng/người/năm (riêng đồng bào dân tộc thiểu số 8-10 triệu đồng/người/năm). 

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cho biết: Căn cứ theo Nghị quyết số 76 của Quốc hội về "Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020", tỉnh Phú Yên đã duy trì được kết quả giảm nghèo và đạt chỉ tiêu giao; kiềm chế có hiệu quả việc tái nghèo. Địa phương đã có nhiều chủ trương, cách làm mới để huy động các nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo, nhất là nguồn vốn chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó là sự chủ động, tích cực vươn lên của các hộ nghèo. Để duy trì việc giảm nghèo bền vững, một trong những vấn đề then chốt được tiếp tục triển khai là đa dạng các hình thức tạo sinh kế cho người nghèo phù hợp với tập quán canh tác, sinh hoạt; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, khoa học kỹ thuật, thị trường để tiêu thụ sản phẩm.

Mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Phú Yên trong giai đoạn 2021-2015 là bình quân mỗi năm giảm 1,5 đến 2% hộ nghèo (theo chuẩn mới khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành). Riêng các xã nghèo, khu vực miền núi bình quân giảm từ 2,5 đến 3% hộ nghèo/năm.

Tin, ảnh: Xuân Triệu (TTXVN)
Động lực thoát nghèo của người dân miền núi Tân Uyên
Động lực thoát nghèo của người dân miền núi Tân Uyên

Thời gian qua, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu đã thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án giảm nghèo trên địa bàn; giúp người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN