Nam Định không bị thiệt hại về người do bão số 3
Theo thống kê nhanh của UBND tỉnh Nam Định, sau khi bão số 3 đi qua, tỉnh không có thiệt hại về người; trên 5.500 ha lúa mùa và hoa màu bị ảnh hưởng. Hiện Nam Định đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra ngay trong ngày 8/9; trước mắt tiêu úng thoát nước tại khu vực bị úng, ngập để đảm bảo sản xuất nông nghiệp; tập trung sửa chữa đảm bảo hệ thống điện lưới, viễn thông đảm bảo thông suốt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân bị di dời tránh bão trở về nhà và kiểm tra chỗ ở đảm bảo an toàn; hỗ trợ người dân khắc phục các thiệt hại do bão gây ra; cắt, thu gom cây xanh bị gãy đổ và di dời khỏi vị trí, xử lý vật cản giao thông trên các tuyến đường để đảm bảo giao thông được thông suốt. Đồng thời, nối lại hoạt động của các bến phà, chú ý đảm bảo an toàn; dọn dẹp ngay vệ sinh môi trường, quét dọn đường xá, cơ quan, công sở, trường học... để từ ngày mai đi vào hoạt động bình thường.
Bão số 3 đổ bộ vào tỉnh Nam Định từ 13 giờ đến 19 giờ 30 ngày 7/9. Ngay sau khi bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định đã trực tiếp chỉ đạo và xuống các địa phương triển khai công tác phòng, chống bão, đặc biệt là tại 3 huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định.
Tỉnh Nam Định đã cấm biển, cho học sinh, sinh viên nghỉ học và dừng hoạt động các bến phà, cầu phao ngay từ ngày 6/9; toàn bộ 100% tàu thuyền (1.714 tàu/5.287 lao động) của tỉnh được đưa vào nơi tránh trú an toàn tại các bến trong và ngoài tỉnh; 100% người ở trên các lều, chòi được vào bờ tránh trú bão an toàn; triển khai rà soát toàn bộ hệ thống đê điều, đặc biệt tuyến đê biển để triển khai ứng phó với bão; các trạm bơm điện lớn đều vận hành hết công suất và mở tối đa các cống để tiêu nước...
Đặc biệt, chính quyền các cấp và các cơ quan đơn vị, các lực lượng chức năng tập trung lực lượng, phương tiện sơ tán, di dời hơn 1.000 người dân trong các ngôi nhà yếu, nhà tạm và khu tập thể cũ đến nơi trú tránh an toàn; di dời gần 1.000 lao động tại các lều chòi nuôi trồng thủy sản ngoài đê vào bờ để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân.
Trước sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trên địa bàn, sau khi cơn bão đi qua, theo ghi nhận ban đầu tỉnh Nam Định không có thiệt hại về người; có khoảng 5.000 ha lúa bị ảnh hưởng; 230 ha cây hoa màu, 130 ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng; có 2 nhà văn hóa bị tốc mái; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị gẫy đổ… một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt.
Hà Nam có hơn 10.800 ha lúa bị đổ, hơn 430 ha hoa màu, rau màu bị dập nát
Sáng 8/9, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra tại các huyện: Thanh Liêm, Bình Lục; kiểm tra công tác vận hành bơm tiêu úng tại Trạm bơm Võ Giang (huyện Thanh Liêm), trạm bơm Triệu Xá (thành phố Phủ Lý).
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân khắc phục những thiệt hại do bão gây ra. Các địa phương có diện tích lúa, rau màu thiệt hại nặng khẩn trương tiêu rút nước đệm trong đồng; đồng thời, chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ dựng lúa gãy đổ, đề phòng mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản xuất lúa mùa, rau màu hè thu. Các địa phương, đơn vị không được chủ quan với tình hình mưa lũ sau bão số 3. Các trạm bơm tiếp tục bơm tiêu úng, bơm tối đa nước đệm; đặc biệt là các khu vực có diện tích lúa bị ngập cần bơm tích cực, để đảm bảo an toàn cho diện tích lúa; bố trí các máy bơm hợp lý và có phương án đề phòng đối với trường hợp khi trời tiếp tục mưa, nước từ đầu nguồn xả về để chủ động xử lý tình huống, không để xảy ra tình trạng ngập úng, bảo vệ mùa màng cho nhân dân.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tại tỉnh Hà Nam có gió mạnh cấp 7, 8, giật cấp 9. Tính từ thời điểm bắt đầu cơn bão (7 giờ ngày 6/9 đến 7 giờ ngày 8/9), tổng lượng mưa trung bình trên địa bàn là 155mm. Mưa to, gió lớn đã khiến 14 ngôi nhà bị tốc mái; hơn 10.800 ha lúa bị đổ, hơn 430 ha hoa màu, rau màu bị dập nát, nhiều cột điện, đèn trang trí, chiếu sáng, biển quảng cáo bị hư hỏng, nhiều cây xanh bị gãy, đổ. Trên địa bàn tỉnh đã tổ chức di dời 496 hộ bị ảnh hưởng đến khu vực an toàn. Các đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi đã vận hành 122 máy bơm tiêu thoát nước.
Yên Bái ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân
Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 12 giờ ngày 8/9, mưa lũ do ảnh hưởng bão số 3 tại tỉnh Yên Bái đã làm 1 người chết, nạn nhân là cháu Sùng Thị Trang, 10 tuổi, thôn Suối Lót, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tử vong do sập nhà gỗ 3 gian đè vào người.
Số nhà bị thiệt hại đã tăng lên 439 nhà, trong đó có 1 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 1 nhà bị hư hỏng nặng; 13 nhà bị sạt lở, taluy ảnh hưởng; 269 nhà phải di dời người và tài sản để đảm bảo an toàn.
Mưa lớn đã làm 610,48 ha cây trồng bị thiệt hại, ảnh hưởng; trong đó có 533,01 ha lúa; 57,46 ha ngô, rau màu; 21 ha cây lâm nghiệp; trên 160 gia cầm, gia súc chết.
Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở như tỉnh lộ 174 (Văn Chấn - Trạm Tấu) tại Km 26 khối lượng khoảng 100 m3 và sạt lở đất đá nhiều điểm ảnh hưởng.
Huyện Trạm Tấu đang là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất về hạ tầng giao thông, xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại xã Tà Xi Láng, Bản Mù, Làng Nhì sạt lở đất đá tại đường lên xã hướng Phình Hồ - Làng Nhì và hướng Bản Mù - Làng Nhì; cuốn trôi 1 cầu tạm từ Bản Cại đi thôn Tà Chơ và Chống Tầu; sạt lở đường của 2 thôn Chống Tầu, Tà Chơ khiến giao thông bị chia cắt.
Thị trấn Trạm Tấu sạt đường đi hướng thị trấn đến 2 thôn Bản Công, Sán Trá, xã Bản Công (tuyến đường độc đạo của thôn Bản Công). Xã Pá Hu, cầu Gái Bản nối liền Chống Tầu sang Pá Hu bị trôi 2 mố cầu không lưu thông được; sạt lở đường từ Km21 đi thôn Cang Dông; ước tính 30 m3, không lưu thông được. Xã Hát Lừu sạt lở 2 điểm taluy dương tuyến đường từ cầu Hát Lừu và UBND xã Hát Lừu, khối lượng khoảng 50 m3.
Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu bị sạt taluy dương, làm thiệt hại 1 lò đốt rác, 1 phần nhà kho, khối lượng đất đá ước tính 2.000 m3. Cụ thể, sạt lở đất gây lấp toàn bộ lò đốt rác, lấp kín phòng giặt, hấp sấy dụng cụ; vùi lấp không hoàn toàn 2 phòng đầu khu nhà Đại thể (Nhà xác); dãy nhà 3 tầng số 6 gãy các cột trụ ở góc tầng 1 phía bên phải,; khu vực nhà vệ sinh tại tầng 1.
Tại huyện Văn Chấn, mưa lớn làm trôi 1 cầu phao dẫn vào thôn Đá Đen và thôn Khe Trầu, xã An Lương, tạm thời chia cắt khoảng 30 hộ dân; Một số tuyến đường bị sạt lở ở 3 xã Nậm Mười, Sùng Đô, Suối Giàng nhưng không gây ách tắc hoàn toàn, hiện đang chỉ đạo khắc phục.
Huyện Mù Cang Chải: đường 175B đoạn gần ngã ba vào Làng Sang bị sạt taluy dương gây ách tắc giao thông không đi lại được. Đường giao thông nông thôn bị sạt lở nhiều đoạn hiện đang thống kê. Ngầm tràn cầu bản Nậm Khắt, Pú Cang, cầu gỗ bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt bị ngập sâu không đi qua được.
Thị xã Nghĩa Lộ, sạt lở đất xuống đường giao thông nông thôn ở thôn Nậm Đông, xã Nghĩa An; ngập cục bộ một số tuyến đường giao thông (thôn 7, xã Nghĩa Lộ; bản Đoàn Kết, thôn Bản Vãn, xã Sơn An; thôn Năm Hăn Thượng, xã Phù Nham; thôn Khá Hạ, xã Thanh Lương; đập tràn Phù Nham, đập tràn Nậm Đông, xã Nghĩa An).
Ngoài ra, công trình công cộng gồm tường rào và pano tại cổng Ủy ban nhân dân xã Việt Cường, huyện Trấn Yên bị đổ sập; gẫy đổ nhiều cây xanh và các pano, biển báo trên các tuyến đường huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái; 2 công trình thủy lợi là thủy lợi Phai Mòn, thôn Nậm Tăng, xã Thạch Lương, thị xã Nghĩa Lộ vỡ, gãy 2,5m, sạt lở giáp thành kênh 8m, hiện vẫn còn nguy cơ sạt lở và gãy tại kênh chính; thủy lợi Nà Cỏn Hươn, xã Hát Lừu lũ cuốn trôi ống. Mưa dông làm đổ, gẫy 12 cột điện; 2 trạm thu phát sóng di động BTS của Mobifone tại xã Đông Cuông, Văn Yên mất sóng do sét đánh nguồn cấp điện trạm phát (đã khắc phục xong). Mất điện hoàn toàn thôn Làng Cò, xã Nâm Mười, Văn Chân làm ảnh hưởng 120 hộ dân đang sinh sống.
Đến nay, ước thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 15 tỷ đồng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp xã kiểm tra và huy động các lực lượng tại chỗ tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả thiên tai cho các hộ gia đình bị thiệt hại, tổ chức thu dọn cây xanh bị đổ gãy trên các tuyến đường đảm bảo an toàn giao thông. Duy trì công tác trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh. Đồng thời sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống xảy ra.