Từ sáng sớm 26/9, tại khu vực Hòn Yến (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An), các hộ nuôi tôm hùm giống bắt đầu di chuyển lồng nuôi vào bờ. Tôm hùm giống được đưa vào nuôi tạm trong những thùng xốp. Rút kinh nghiệm từ đợt thiên tai bất thường xảy ra vào cuối tháng 3/2022, bà con không chủ quan mà thực hiện đúng theo hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Tài, người nuôi tôm ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An cho biết: Gia đình ông nuôi hơn 10.000 con tôm giống đã qua 20 ngày tuổi. Nghe dự báo cơn bão số 4 rất lớn, ngư dân chủ động đưa tôm vào bờ nuôi tạm, sau khi hết bão lại thả nuôi trở lại. Những lần trước, có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, người nuôi chủ quan nên thiệt hại rất lớn.
Xã An Hòa Hải là vùng nuôi tôm hùm giống lớn để cung cấp cho cả tỉnh Phú Yên và các địa phương lân cận. Theo thống kê, cả xã có 120 hộ nuôi với hơn 2000 lồng, khoảng 4 triệu con tôm. Hộ nuôi ít nhất 1.000 con, nhiều lên đến 20.000 con, tương ứng từ 100 triệu đồng đến hơn 2 tỷ đồng mỗi hộ. Vì vậy, việc di chuyển lồng và tôm nuôi đến nơi an toàn sẽ giảm thiểu được thiệt hại cho người dân.
Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống bão số 4, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu: Chính quyền huyện Tuy An hướng dẫn hỗ trợ người nuôi tôm di chuyển toàn bộ số lồng nuôi tôm hùm vào bờ. Khu vực Hòn Yến là vùng biển hở nên nếu có mưa to, sóng lớn sẽ cuốn trôi các lồng bè. Bên cạnh việc di chuyển lồng nuôi, tất cả người làm việc, canh giữ bè tôm phải vào bờ trước khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền.
Các địa phương như thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An và thị xã Đông Hòa có 102.523 ô lồng/2.516 bè nuôi trồng thủy sản với hơn 5.600 người người thường xuyên làm việc và canh giữ. Hiện chính quyền các địa phương đang tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân di chuyển, chằng chống lồng bè an toàn. Ngày 26/9, tỉnh Phú Yên đã thực hiện việc cấm các tàu thuyền ra khơi. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương bám sát dự báo diễn biến của bão số 4 để có phương án sơ tán người dân phù hợp.