Thúc đẩy phát triển nền tảng số - Bài cuối: Tạo đòn bẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Chuyển đổi số mang cơ hội đến cho tất cả các doanh nghiệp nhưng sẽ là một hành trình dài, có tính chiến lược, quyết định sự phát triển, đôi khi là sống còn của mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó, tạo sự lan tỏa thực hiện chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp. 

Ứng dụng chuyển đổi số mở rộng thị trường

Chú thích ảnh
Hợp tác xã bánh phồng Sơn Đốc (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) là một trong các đơn vị được hỗ trợ website với tên miền ".vn" với các dịch vụ số phục vụ chuyển đổi kinh doanh trực tuyến. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, tại xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm tồn tại hơn 100 năm qua. Trước đây, sản phẩm được các thương lái đến thu mua vận chuyển đi các nơi khác. Do vậy, nghề làm bánh phòng chủ yếu làm theo đơn đặt hàng từ thương lái, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu phục vụ dịp tết. Người sản xuất chưa tiếp cận trực tiếp với thị trường và người tiêu dùng. Với hơn 20 năm gắn bó với sản phẩm bánh phồng truyền thống của gia đình, anh Cao Minh Tấn, xã Hưng Nhượng (chủ cơ sở bánh phồng Hai Sậm) mong muốn sẽ trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng không qua khâu trung gian. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, kinh doanh khó khăn, thương lái hạn chế mua hàng. Do vậy, anh Tấn tìm cách tiếp thị sản phẩm qua các úng dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook…). Nhận thấy kinh doanh hiệu quả, anh Tấn tìm đến các sàn thương mại điện tử để tiếp thị và bán sản phẩm, hiệu quả ngày càng thiết thực, đơn hàng ngày một tăng lên.

Anh Tấn cho hay, sau khi ứng dụng thương mại điện tử, cơ sở được nhiều khách hàng hơn trước đây. Bên cạnh đó, ngành chức năng đã hỗ trợ thành lập trang web "banhphongsondoc.vn" cho hợp tác xã bánh phồng của địa phương. Nhờ đó, sản phẩm làm ra của các xã viên được giới thiệu trực tiếp trên trang web, khách hàng từ các nơi có thể mua trực tiếp sản phẩm của anh Tấn và các xã viên của hợp tác xã tại làng nghề.

Anh Tấn cho biết, qua tiêu thụ sản phẩm trên các nên tảng thương mại điện tử và khách hàng thương lái truyền thống, sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng cao. Trước đây, mỗi tháng, anh chỉ sản xuất 7-10 ngày. Giờ đây, mỗi ngày, anh Tấn sản xuất cho ra sản phẩm hơn 10.000 bánh/ngày, với 20 nhân công lao động thường xuyên. Vào dịp Tết Nguyên đán, số lượng sản xuất mỗi ngày tăng gấp 3-4 lần.

Thông qua ứng dụng thương mại điện tử cho các sản phẩm của hợp tác xã, thị trường tiêu thụ của các cơ sở sản xuất thành viên của hợp tác xã được mở rộng hơn, không chỉ khu vực các tỉnh lân cận mà còn các địa phương khác trong cả nước. Hiện tại, anh Tấn tiếp tục đầu tư trang thiết bị công nghệ vào sản xuất đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì sản phẩm được đầu tư bài bản hơn đáp úng nhu cầu thị trường trong nước và cho thị trường xuất khẩu trong tương lai.

Theo bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Hợp tác xã rượu Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri), trước đây việc tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã thông qua các kênh phân phối truyền thống, tiêu thụ qua các thương lái. Nhiều thị trường hợp tác xã muốn phân phối nhưng không có kênh quảng bá, sản phẩm xã viên sản xuất rất hạn chế. Hơn nữa, đa số xã viên là nông dân vì vậy tiếp cận giới thiệu sản phẩm đến tay người tiêu dùng chưa thể làm được.

Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhất là sở Thông tin và Truyền thông đã giúp hợp tác xã tiếp cận công nghệ, ứng dụng công nghệ 4.0 để quảng bá tiêu thụ sản phẩm, giúp xã viên trực tiếp đưa sản phẩm chất lượng đến người sử dụng. Bà Trần Thị Lan chia sẻ, hiện nay, vấn đề hàng giả hàng kém chất lượng đã ảnh hưởng chung đến các sản phẩm truyền thống của địa phương. Do vậy, khi được hỗ trợ thành lập trang web với tên miền ".vn" điều này giúp sản phẩm của hợp tác xã giới thiệu đến khắp nơi trên cả nước, người sử dụng trực tiếp đặt hàng từ hợp tác xã, hàng hóa sẽ được đảm bảo an toàn hơn. Bên cạnh đó, hợp tác xã ứng dụng các trang thương mại điện tử để đưa sản phẩm đi xa hơn, thị trường mở rộng hơn. Nhờ đó, giúp xã viên thu nhập ổn định gắn bó lâu dài với làng nghề có truyền thống hơn 100 năm của địa phương.

Cùng với đó, việc ứng dụng các trang thương mại điện tử người tiêu dùng trực tiếp giao dịch với hợp tác xã điều này sẽ hạn chế được vấn đề người tiêu dùng sử dụng sản phẩm kém chất lượng trôi nổi ngoài thị trường. Bà Trần Thị Lan cho hay, không khuyến khích lạm dụng rượu. Tuy nhiên, hiện nay, rượu được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm và nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Vì vậy, sản xuất rượu an toàn đưa đến tay người tiêu dùng trực tiếp, để tránh phải sử dụng rượu kém chất lượng là mong muốn chung của các thành viên hợp tác xã.

Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Bến Tre, công tác hỗ trợ chuyển đổi số được tập trung thực hiện nhất là hỗ trợ các hợp tác xã, xã viên tiếp cận nền tảng thương mại điện tử. Đến nay, tỉnh có 24 hợp tác đăng ký thực hiện các nội dung: Website thương mại điện tử chuyên nghiệp, Phần mềm họp trực tuyến, Tổng đài bán hàng và chăm sóc khách hàng, Giải pháp Marketing Online, Chữ ký số doanh nghiệp…; tích cực hỗ trợ hợp tác xã vận hành website và quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, Liên minh hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp trong xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số; tiếp tục khai thác, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, vận hành nâng cao hiệu quả hoạt động của Sàn giao dịch thương mại điện tử đặc sản Bến Tre; hỗ trợ hợp tác xã tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước như: Lazada, Tiki, Sendo, Alibaba…; triển khai các phần mềm ứng dụng, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của hợp tác xã trong việc khai thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử…

Chuyển đổi số xu thế tất yếu

Chú thích ảnh
Bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Hợp tác xã rượu Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri) vui mừng khi hợp tác xã tiếp cận công nghệ, ứng dụng công nghệ 4.0 để quảng bá tiêu thụ sản phẩm tại website: https://htxruouphule.vn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN

Theo UBND tỉnh Bến Tre, tỉnh đang đẩy mạnh nhiều giải pháp, chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Hiện tỉnh có 177 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin. Hơn 1.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có sử dụng nền tảng số; hơn 90% doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ lệ doanh nghiệp có website sử dụng tên miền ".vn" đạt 30%.

Theo ông Trần Minh Tân, đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng khoảng 70% lực lượng lao động, đóng góp khoảng 50% GDP. Thực tiễn cho thấy, nền tảng số giúp chuyển đổi số nhanh, chuẩn hóa quy trình, đổi mới mô hình kinh doanh. Doanh nghiệp chuyển đổi số có năng suất, lợi nhuận cao gấp đôi so với doanh nghiệp chưa chuyển đổi. Đại diện Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông đã thông tin về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx), cung cấp hệ sinh thái cơ bản về kinh doanh online cho các doanh nghiệp, cá nhân; thúc đẩy công tác quản lý, sử dụng hiệu quả, an toàn tài nguyên internet rộng rãi trong cộng đồng.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Internet Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế số, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi hình thức kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trực tuyến để khẳng định sự tồn tại và phát triển. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ tiếp cận thị trường trong, ngoài nước. Theo bà Trần Thị Thu Hiền, trước sự phát triển của nền kinh tế số khi thương mại điện tử ngày càng bùng nổ, tên miền của doanh nghiệp là giải pháp bền vững và cũng là tài sản thương hiệu của doanh nghiệp trên môi trường số. Qua đó, xác thực độ tin cậy, danh tính của doanh nghiệp; là nơi khẳng định xuất xứ, công bố chính thức thông tin về sản phẩm, dịch vụ và thể hiện tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bến Tre Huỳnh Trung Tính cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chiếm tỉ trọng lớn, thậm chí áp đảo trong tổng số doanh nghiệp. Vì thế, đóng góp của họ vào tổng sản lượng và tạo việc làm là rất đáng kể. Hơn nữa, doanh nghiệp nhỏ và vừa giữ vai trò ổn định nền kinh tế, làm cho nền kinh tế năng động vì nó có quy mô nhỏ, nên dễ điều chỉnh và thay đổi phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế; tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ quan trọng, do các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chuyên môn hóa vào sản xuất một vài chi tiết được dùng để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh; là trụ cột của kinh tế địa phương; đóng góp không nhỏ và giá trị GRDP cho tỉnh.

Theo ông Huỳnh Trung Tính, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong hơn 5.000 doanh nghiệp tại tỉnh. Các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công tác quản lý, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đóng góp tích cực vào việc giải quyết việc làm cho lao động, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre đã ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số cụ thể là: Quyết định phê duyệt kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2021-2022 với chủ đề "Chuyển đổi số - Thay đổi nhỏ, lợi ích lớn"; Kế hoạch chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Thông qua các giải pháp hỗ trợ như: Thực hiện khảo sát đề ra các giải pháp chuyển đổi số thích hợp; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kỹ năng về các hoạt động của Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; hỗ trợ phát triển website thương mại điện tử (bao gồm: website, hosting, tên miền…).

Tỉnh định hướng tăng cường thực hiện các giao dịch trên môi trường số để tiết kiệm thời gian, xử lý công việc được nhanh chóng thông qua việc ứng dụng chữ ký số trong các giao dịch hàng ngày; hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử, tham gia các sàn thương mại điện tử, kết nối, liên kết với các sàn giao dịch kết nối cung - cầu theo từng ngành/lĩnh vực, kê khai bảo hiểm xã hội, khai báo thuế điện tử, hóa đơn điện tử…Đồng thời, hỗ trợ cung cấp thông tin, kiến thức, tài liệu về chuyển đổi số; tuyên truyền các mô hình thành công điển hình, giới thiệu các kinh nghiệm thực tiễn, đăng ký hỗ trợ trực tuyến; tiếp cận và tư vấn các doanh nghiệp để ký kết các thỏa thuận mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các công tác về marketing giúp gia tăng sản lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Trung Tính, muốn triển khai có hiệu quả các giải pháp trên yêu cầu đặt ra phải đảm bảo cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận thức và hiểu biết tầm quan trọng của chuyển đổi số, đồng thời tích cực tham gia phát huy sáng kiến cải tiến cách thức hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn của việc chuyển đổi số trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh trở thành địa phương thành công về chuyển đổi số của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tỉnh phát triển công nghiệp nội dung số, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hình thành hệ sinh thái ICT địa phương, kết nối hiệu quả vào hệ sinh thái quốc gia.

Đến năm 2030, Bến Tre trở thành địa phương có kết quả chuyển đổi trong top 5 của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng ICT của tỉnh đạt top 10 của cả nước; công nghệ số được ứng dụng toàn diện trong mọi lĩnh vực, thay đổi tích cực đến phương thức sống, cách làm việc của người dân; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, bền vững.

Phúc Hậu - Chương Đài (TTXVN)
Thúc đẩy phát triển nền tảng số - Bài 1: Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số
Thúc đẩy phát triển nền tảng số - Bài 1: Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số

Tại Bến Tre, các cơ quan, doanh nghiệp, người dân từng bước có ý thức trách nhiệm khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số; sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm và hình thành thói quen sử dụng những ứng dụng tiện ích từ chuyển đổi số. Điều này cho thấy, sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân trong thực hiện chuyển đổi số, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN