Thúc đẩy phát triển nền tảng số - Bài 1: Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số

Tại Bến Tre, các cơ quan, doanh nghiệp, người dân từng bước có ý thức trách nhiệm khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số; sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm và hình thành thói quen sử dụng những ứng dụng tiện ích từ chuyển đổi số. Điều này cho thấy, sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân trong thực hiện chuyển đổi số, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết phản ánh việc Bến Tre đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số.

Bài 1: Phát huy sức trẻ trong chuyển đổi số

Chú thích ảnh
Đoàn viên thanh niên xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) ra quân tuyên truyền, vận động các tiểu thương tại chợ xã Tân Phong cài đặt sử dụng các ứng dụng tiện tích trên điện thoại thông minh. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

 Bí thư Tỉnh Đoàn Bến Tre Lâm Như Quỳnh cho biết, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số được xác định là một trong những động lực, ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh địa phương chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế. Phát huy sức trẻ, sự năng động, sáng tạo, nhạy bén với khoa học - công nghệ và dễ dàng nắm bắt, thích nghi với môi trường số, thanh niên Bến Tre trở thành lực lượng xung kích, giữ vai trò nòng cốt tích cực trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại địa phương.

Ứng dụng tối đa chuyển đổi số

Những ngày giữa tháng 10/2022, một kỳ đại hội quan trọng đã tạo ấn tượng mạnh, khiến nhiều đại biểu, nhất là đoàn viên xứ Dừa vô cùng thích thú. Đại hội Đại biểu Đoàn tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027 đã ứng dụng tối đa chuyển đổi số, từ các tài liệu, văn kiện đại hội đến việc điểm danh, đếm số phiếu bầu. 

Theo đó, gần 250 đoàn viên đại diện cho trên 49.000 đoàn viên trên toàn tỉnh đã tham dự đến hội trường nơi diễn ra Đại hội không cần điểm danh bằng giấy mà chỉ cần quét mã QR. Trên bàn của các đại biểu, không còn những xấp tài liệu, văn kiện, hồ sơ đại hội cồng kềnh mà tất cả các đều được đưa lên phần mềm và tích hợp trong máy tính bảng, thiết bị di động. Không những thế, mỗi một lá phiếu đại biểu bỏ vào thùng phiếu, ngay lập tức sẽ được tổng hợp lên màn hình máy chiếu về số phiếu đã bỏ vào thùng nhờ vào phần mềm đếm phiếu bầu tự động… Bên ngoài hội trường, các đơn vị Huyện Đoàn tổ chức triển lãm, phiên chợ khởi nghiệp dùng nền tảng số, giao dịch không dùng tiền mặt, trải nghiệm thực tế ảo... Hầu hết các đại biểu tham dự Đại hội đều cảm thấy việc ứng dụng xây dựng mã QR không những tiện ích mà còn góp phần giảm kinh phí in ấn văn kiện cho đại biểu, tránh lãng phí.

Chị Lâm Như Quỳnh cho hay, xác định công tác chuyển đổi số mang đến nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp góp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà trực tiếp là đoàn viên, thanh niên, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, đối với quản lý và vận hành công việc, văn bản trong tổ chức Đoàn, Tỉnh Đoàn đã triển khai 100% đơn vị sử dụng hệ thống điều hành quản lý văn bản điện tử i-Office. Mặt khác, việc trao đổi thông tin, chỉ đạo được thực hiện thường xuyên qua phương thức trực tuyến, các ứng dụng Telegram, Zalo được khai thác triệt để, phù hợp; thường xuyên triển khai các hình thực họp trực tuyến, học tập chính trị trên phần mềm LMS; Thực hiện số hóa lịch sử Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Bến Tre, hướng dẫn Đoàn các cấp sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên. Đến nay 100% đoàn viên đã nhập thông tin trên hệ thống.

Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo và hướng dẫn, hỗ trợ 100% các cấp bộ đoàn từ tỉnh đến cơ sở thành lập kênh Fanpage và Zalo Page, qua đó phát huy vai trò xung kích của lực lượng đoàn viên, thanh niên vào triển khai đề án chuyển đổi số của tỉnh. Theo thống kê, đến nay, các cấp bộ Đoàn của tỉnh Bến Tre đã thiết lập và duy trì hoạt động 170 tài khoản Zalo, bao gồm 13/15 trang Zalo cấp huyện và 157/157 kênh Zalo Page các xã, phường, thị trấn, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân quan tâm, theo dõi. Nhờ vậy, các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, người tốt việc tốt,… được cập nhật nhanh chóng, liên tục; chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, có chiều sâu; cung cấp hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến, giới thiệu các nền tảng, dịch vụ chuyển đổi số đến đông đảo đoàn viên, thanh niên và người dân. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến, đề xuất và giải đáp các phản ánh, kiến nghị mà đoàn viên, thanh niên và người dân quan tâm.

Giúp người dân tiếp cận chuyển đổi số

Chú thích ảnh
Đoàn viên thanh niên xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) ra quân tuyên truyền, vận động các tiểu thương tại chợ xã Tân Phong cài đặt sử dụng các ứng dụng tiện tích trên điện thoại thông minh. Ảnh: Chương Đài/TTXVN

Sáng 14/10/2022, tại chợ Tân Phong, huyện Thạnh Phú, nhiều bạn trẻ trong màu áo xanh tình nguyện đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị cho buổi ra quân tình nguyện "Chuyển đổi số cộng đồng". Để hỗ trợ tối đa cho người dân, các đoàn viên, thanh niên của Đoàn Thanh niên xã Tân Phong đã chia thành từng nhóm nhỏ tới gặp từng tiểu thương, người dân để tuyên truyền, vận động sử dụng các ứng dụng tiện tích trên điện thoại thông minh như công dân số, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt... Khoảng 30 tiểu thương đã cài đặt và biết giao dịch điện tử không dùng tiền mặt thông qua mã QR code.

Anh Nguyễn Thành Trung, Bí thư Đoàn xã Tân Phong cho biết thêm, 70% người dân trên địa bàn xã có sử dụng điện thoại thông minh. Vào các ngày cuối tuần, Đội Thanh niên tình nguyện "Chuyển đổi số cộng đồng" xã với 7 thành viên nòng cốt đã phối hợp các chi đoàn tới từng ấp, vào từng nhà, gặp từng người để hướng dẫn nhân dân cài các phần mềm ứng dụng chuyển đổi số trên điện thoại thông minh. Qua triển khai, khoảng 1.800 người dân trên 14 tuổi đã được tuyên truyền, cài đặt tài khoản trên các nền tảng số (chiếm khoảng 25% dân số).

Chị Phạm Thị Kim Nương, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện Đoàn Thạnh Phú thông tin, huyện đã thành lập và đưa vào hoạt động 18 tổ công nghệ số cộng đồng, với 165 thành viên, do Bí thư Đoàn xã làm Tổ trưởng Tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã. Đoàn Thanh niên đẩy mạnh tuyên truyền về xu hướng chuyển đổi số trong đó tập trung vào thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp chặt chẽ với các quỹ tín dụng, ngân hàng hướng dẫn cài đặt, mở tài khoản thanh toán điện tử qua điện thoại thông minh đến đoàn viên, thanh niên, học sinh, người dân, hộ kinh doanh, từng bước hình thành thói quen thanh toán các khoản chi phí qua công nghệ số; hỗ trợ công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm căn cước công dân gắn chíp điện tử.

Bằng sự linh hoạt trong chỉ đạo của Huyện Đoàn và sự nhạy bén của lực lượng đoàn viên, thanh niên, các hoạt động của Đoàn đang từng bước được đổi mới về mặt nội dung, phương thức truyền tải để phù hợp với thời đại công nghệ số. Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục đẩy mạnh ứng công nghệ số gắn với công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, phát huy sức trẻ góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số; thể hiện vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong tiến trình hội nhập, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan tỏa mạnh mẽ - chị Phạm Thị Kim Nương nói.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 9 tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp huyện, 129 tổ cấp xã và 427 tổ cấp khu phố/ấp, với hơn 4.000 thành viên tham gia; trong đó Bí thư Đoàn các cấp làm Tổ trưởng hoặc lực lượng nòng cốt, chủ lực. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre Huỳnh Trung Tính nhận định, Tổ công nghệ số cộng là một lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh đến khu phố, tổ nhân dân tự quản của các xã, phường, thị trấn; giúp Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của tỉnh mang các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân để thúc đẩy chuyển đổi số.

Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng hướng dẫn các nội dung cụ thể và cung cấp các tài liệu liên quan để Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các địa phương triển khai thực hiện. Song song đó, Sở đã phối hợp với Cục Chuyển đổi số Quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông mở lớp tập huấn dành riêng cho các thành viên Tổ Chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh nhằm trang bị cho Tổ chuyển đổi số cộng đồng đầy đủ công cụ, kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyển đổi số. Đến nay, cơ bản các Tổ chuyển đổi số cộng đồng tại các địa phương đã xây dựng được Kế hoạch triển khai hoạt động và dần tiếp cận, đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân; từ đó đưa người dân lên môi trường số, giúp người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số; qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre cho biết.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Chú thích ảnh
Đoàn viên thanh niên xã Tân Phong, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) ra quân tuyên truyền, vận động các tiểu thương tại chợ xã Tân Phong cài đặt sử dụng các ứng dụng tiện tích trên điện thoại thông minh. Ảnh Chương Đài/TTXVN

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác Đoàn và cộng đồng xã hội, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Như Quỳnh đề xuất các giải pháp liên quan về nguồn nhân lực, về vốn đầu tư và nhận thức của đoàn viên, thanh niên và xã hội... Trước hết là có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện hữu trong xã hội, nhất là lực lượng trẻ, đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, chuyên viên chủ chốt Đoàn các cấp để nâng cao khả năng làm chủ công nghệ. Mặt khác, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ, có cơ chế thu hút nhân tài về tỉnh, tạo môi trường, điều kiện để các nhân tài trong và ngoài phát triển... Từ đó, tạo thành mạng lưới thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ tại địa phương.

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi tỉnh Bến Tre lần thứ 2 năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đức Thọ yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường hành động để thực hiện chuyển đổi số, gắn với đổi mới sáng tạo, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy tính chủ động, huy động nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số. Quá trình thực hiện cần bám sát Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/10/2020 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các đề án, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi số để phân công rõ từng đầu việc, cá nhân hóa trách nhiệm, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá để thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; tiếp tục thực hiện chương trình "6 hóa" trong thực hiện chuyển đổi số (tiêu chuẩn hóa; đơn giản hóa thủ tục thực chất; tối ưu hóa; tự động hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ; cá nhân hóa trách nhiệm; hợp tác hóa vì mục tiêu chung).

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cụ thể hóa từng nhiệm vụ chuyển đổi số thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách; trong đó, quan tâm xây dựng và triển khai các chương trình nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, tăng cường thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số; xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả, phù hợp với môi trường số. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cần tăng cường triển khai nhân rộng các sáng kiến về chuyển đổi số, các mô hình thí điểm và các thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn công nghệ lớn, thúc đẩy triển khai chuyển đổi số nhanh, hiệu quả; huy động nguồn đầu tư của các tập đoàn viễn thông, doanh nghiệp, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác nhằm phát triển hạ tầng viễn thông, internet hình thành hạ tầng số phục vụ tiến trình chuyển đổi số.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ban, ngành tiếp tục thực hiện và đẩy nhanh chuyển đổi số ngày càng hiệu quả. Các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, đưa hoạt động của Tổ chuyển đổi sổ cộng đồng vào thực tế để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến người dân; phổ biến, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Bài cuối: Tạo đòn bẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ

Phúc Hậu - Chương Đài  (TTXVN)
Đẩy mạnh chuyển đổi số để làm tốt hơn sứ mệnh của báo chí cách mạng
Đẩy mạnh chuyển đổi số để làm tốt hơn sứ mệnh của báo chí cách mạng

Ngày 28/10, Hội Nhà báo tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập (1/11/1972 - 1/11/2022).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN