Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy thành phố Huế Phan Thiên Định cho biết, từ ngày 1/7/2021, thành phố Huế được mở rộng diện tích gấp 4 lần, từ 70,67 km2 lên 265,99 km2, với 29 phường và 7 xã. Với việc mở rộng này, thị trấn Thuận An (trước thuộc huyện Phú Vang) nay chuyển thành phường Thuận An, thuộc thành phố Huế. Đây là cơ hội để Thuận An có thêm điều kiện để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Hội thảo là cơ hội nhìn nhận lại các giá trị văn hóa, lịch sử, tiềm năng của cửa biển Thuận An cũng như các bài học từ thiên nhiên để bảo tồn, phát triển và định hướng cho sự phát triển đô thị thành phố Huế trong tương lai.
Trong tiến trình phấn đấu đưa tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thuận An được định hướng phát triển trở thành đô thị động lực phía Đông của thành phố Huế. Tỉnh đang triển khai các tuyến đường từ thành phố Huế về Thuận An, cầu qua cửa biển, tuyến đường ven biển; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch biển, kêu gọi đầu tư các khách sạn có quy mô lưu trú lớn; quy hoạch, kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển Cảng Thuận An; phát triển đô thị đầm phá, đô thị sinh thái…
Hội thảo khoa học “Cửa biển Thuận An xưa và nay” thu hút nhiều lãnh đạo chính quyền, nhà nghiên cứu, chuyên gia về quy hoạch, kiến trúc đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài tỉnh tham gia nghiên cứu, viết bài đóng góp. Trong đó, 20 bài tham luận biên tập được in vào Kỷ yếu hội thảo, tập trung ở hai nội dung: vị trí chiến lược của cửa biển Thuận An trong lịch sử và phát triển các giá trị lịch sử - văn hóa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm sáng tỏ các vấn đề về lịch sử, vị trí, vai trò của cửa biển Thuận An đối với Kinh đô Huế. Đặc biệt, đã có nhiều ý kiến đóng góp có giá trị thiết thực về chiến lược bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa ở vùng biển Thuận An phục vụ phát triển kinh tế - văn hoá của thành phố Huế nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho hay, Thuận An là "yết hầu" của Kinh thành Huế - thể hiện dưới thời Vương triều Tây Sơn và đặc biệt là qua thời Nguyễn. Dưới thời Nguyễn, Thuận An có các công trình phòng thủ hiện đại và kiên cố như thành Trấn Hải, pháo đài Hòa Duân; đặc biệt là hệ thống đập ngăn kết hợp liên hoàn với các pháo đài, đồn lũy trên sông và trên bộ thành một mạng lưới phòng thủ dày đặc có chiều sâu. Hệ thống phòng thủ này càng được tăng cường sau khi thực dân Pháp cho quân uy hiếp Đà Nẵng và đặc biệt là sau khi đánh chiếm Bắc Kỳ.
Tập trung phân tích, đánh giá những giá trị lịch sử, văn hoá của vùng đất Thuận An, một số đại biểu đã “hiến kế” các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Điển hình là một số định hướng giải pháp do đại diện UBND thành phố Huế trình bày nhằm xây dựng Huế - thành phố hướng biển nhìn từ bản sắc văn hoá cư dân ven biển Thuận An. Trong đó, nhấn mạnh sự quan trọng của việc chọn lọc những giá trị văn hóa đặc trưng và độc đáo của cộng đồng ngư dân làm điểm nhấn, tạo cơ sở chủ đạo quyết định nên giá trị văn hóa đặc sản cho địa phương.
Ngoài ra, thành phố Huế và chính quyền phường Thuận An cần nghiên cứu, hình thành và phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn như nghỉ dưỡng, khám phá, thể thao, giải trí… kết hợp du lịch di sản văn hóa; chú trọng phát triển du lịch cộng đồng nhằm huy động tối đa sự tham gia của người dân.
Thông qua việc giới thiệu một số hiện vật được tìm thấy ở cửa biển Thuận An hiện trưng tàng tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế, Thạc sỹ Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng kiến nghị xây dựng kế hoạch số hóa toàn bộ tư liệu Hán Nôm đang hiện tồn trong hòm bộ các làng xã phụ cận ven biển, tiến hành khảo sát, thăm dò khảo cổ học. Từ đó, làm rõ quá trình tụ cư, lập làng; định vị vị trí Thuận An trên bản đồ hải thương quốc tế.
Cửa biển Thuận An xuất hiện trong lịch sử vào đầu thế kỷ XV dưới triều đại nhà Hồ, với tên gọi là cửa Eo và nhiều lần được đổi tên ở các triều đại khác. Dưới tác động của thiên nhiên, cửa biển có nhiều biến chuyển, không còn như những ngày đầu. Qua các triều đại, cửa biển Thuận An luôn có vai trò quan trọng về cả quân sự, kinh tế lẫn môi trường sinh thái. Cùng với thời gian, Thuận An còn mang thêm nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo để bảo tồn, phát triển.