Ông Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Ngân hàng CSXH - Chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho biết, để thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay vốn của ngân hàng, hàng năm, đơn vị luôn chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh, ngay từ đầu năm đã có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện sát sao các chương trình vốn nói chung, đặc biệt là nguồn vốn chương trình hộ nghèo.
Bên cạnh đó, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cũng chỉ đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH các huyện, thành phố chủ động phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác làm tốt việc tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn; củng cố các tổ tiết kiệm và vay vốn để làm tốt việc ủy thác, cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách. Từ đó, giải ngân kịp thời và có sự định hướng để sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình…
Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai gần 20 chương trình tín dụng ưu đãi: Cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay nhà ở, giải quyết việc làm… Nguồn vốn tín dụng được chú trọng ưu tiên triển khai thực hiện tại những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, các xã thuộc vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống... Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 3.500 tỷ đồng, với trên 94.700 số lượt hộ dân vay vốn, tập trung ở các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Yên Sơn,...
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của ngồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi tìm về huyện Hàm Yên - một trong những huyện triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH.
Chị Nguyễn Thị Tình, thôn Làng Chiềng, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên cho biết, gia đình chị trước đây là hộ nghèo của xã, nhà ít người, thiếu nhân lực lao động nên thu nhập thấp, cuộc sống rất khó khăn. Năm 2014, được tạo điều kiện vay vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH, gia đình chị đã quyết định vay 70 triệu đồng để nuôi trâu sinh sản. Sau đó, năm 2016, gia đình chị tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng để cải tạo vườn cây ăn quả.
Hiện nay, gia đình đang chị Tình đang có 700 gốc cam, trên 200 gốc thanh long và phật thủ, gần 1 ha chè và nuôi 3 con trâu sinh sản. Khoảng 2 năm trở lại đây, từ chăn nuôi và trồng cây ăn quả, mỗi năm gia đình chị thu về trên 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ nguồn thu nhập ổn định cuộc sống gia đình được nâng lên nhiều. Gia đình chị đã mua được ti vi, tủ lạnh, xe máy… để phục vụ sinh hoạt gia đình.
Cũng là hộ dân thoát nghèo nhờ vay vốn Ngân hành CSXH để phát triển sản xuất, chị Đỗ Thị Bình, thôn 2 Tân Yên, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên chia sẻ, năm 2018, được Hội Liên hiệp phụ nữ xã và tổ tiết kiệm vay vốn thôn tuyên truyền, gia đình chị đã vay 50 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi lợn. Nhờ nguồn vốn vay này gia đình đã có điều kiện để mua lợn giống, thức ăn chăn nuôi và cải tạo lại chuồng trại. Từ năm 2019 đến nay, gia đình chị luôn duy trì đàn lợn 50 con, mỗi năm xuất bán 2 lứa, sau khi trừ chi phí, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ đó, năm 2021, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, những năm qua, hoạt động tín dụng của Ngân hàng CSXH trên địa bàn huyện Hàm Yên đã thực hiện tốt nhiệm vụ mục tiêu giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, tín dụng chính sách được triển khai đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Những chương trình vay vốn được tích cực triển khai đến từng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách... Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 8,5%; thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm. Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, huyện mong muốn thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa việc quản lý sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Có biện pháp tăng mức cho vay vốn đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhất là nguồn vốn để phát triển kinh tế…
Nhờ việc triển khai hiệu quả, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành nguồn lực tiếp sức cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần giúp tỉnh Tuyên Quang giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Chia sẻ về phương hướng trong thời gian tới, ông Nguyễn Phan Vỹ cho biết, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội; bám sát sự lãnh chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, của tỉnh, trên cơ sở rà soát nhu cầu vay vốn có phương án đảm bảo nguồn vốn vay cho người dân; chú trọng đào tạo, tập huấn, kiểm tra, đánh giá kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ ngân hàng, nhất là cán bộ tín dụng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả…