Tiếp sức cho chị em chuyển đổi mô hình sản xuất
Từ năm 2019 trở về trước, chị Nguyễn Thị Dẫn là hộ nghèo ở thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện. Với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, chị được 2 lần vay vốn tín chấp thông qua kênh của Hội. Lần đầu, chị Dẫn vay 10 triệu đồng và lần thứ hai vay thêm 50 triệu đồng để chuyển đổi sản xuất.
Trên 8 sào ruộng của gia đình, chị Dẫn chuyển sang trồng nhãn, vải. Chị còn mượn thêm ruộng của những nhà khác để sản xuất. Chị Dẫn cho biết: “Vay qua kênh của Hội Phụ nữ thì tôi không phải thế chấp. Thủ tục vay thuận lợi và linh động, cán bộ Hội rất quan tâm động viên, hướng dẫn chi tiết”.
Tương tự, chị Bùi Thị Viên, cùng thôn An Dương cũng đã vận dụng nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi mô hình sản xuất và từng bước thoát nghèo. Vừa chuyển đổi sang trồng cam ở đất ruộng nhà, chị Viên còn cấy 2 vụ lúa và trồng rau vụ đông ở 1,2 mẫu ruộng đi mượn. Từ căn nhà cấp 4, giờ đây chị Viên đã có nhà mái bằng khang trang. Ba người con gái của chị cũng đều học đại học.
Chị Dẫn và chị Viên còn được Hội Phụ nữ xã lựa chọn tham gia Câu lạc bộ phân loại rác thải thôn An Dương. Nhờ vậy, mỗi tháng hai chị có thêm một khoản thu nhập từ việc thu gom rác cho các hộ gia đình trong thôn.
Việc khai thác các nguồn vốn giúp hội viên phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ được Hội Phụ nữ xã Chi Lăng Nam tích cực triển khai. Theo chị Nguyễn Thị Lánh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cán bộ Hội đã sâu sát nắm từng hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nhất là những chị em khó khăn và quan tâm, hỗ trợ kịp thời giúp chị em sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, cho thu nhập tốt, trả nợ đúng hạn. Nhiều chị đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm ăn. Người thì chuyển đổi trồng rau màu theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng lúa; người mở xưởng sản xuất áo mưa tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương; người trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP; người mở quán bán hàng ăn…
Từ năm 2016 đến nay, nhờ nguồn vốn qua kênh Hội Phụ nữ xã ủy thác cho vay, có 7 chị đã thoát nghèo. Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” đang duy trì đều ở 3 chi hội với nhiều hình thức cho vay vốn tiết kiệm, vốn Ngân hàng chính sách xã hội. Tính đến cuối tháng 10/2021, tổng số dư nợ do Hội liên hiệp phụ nữ xã đứng ra tín chấp cho hội viên vay đạt trên 6,7 tỷ đồng, cho 171 hộ vay.
Hội cũng đang quản lý vốn quay vòng xây dựng công trình vệ sinh tại 3 chi hội, với tổng số tiền trên 118 triệu đồng; cùng với đó, có 5 tổ tiết kiệm theo mô hình góp vốn cho vay luân chuyển, tổng số tiền tiết kiệm hàng tháng trên 400 triệu đồng.
Tại nhiều nơi khác trong tỉnh Hải Dương, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình” cũng được tích cực triển khai, làm chỗ dựa cho nhiều chị em nông thôn có vốn để sản xuất, kinh doanh. Đơn cử, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Phong, huyện Ninh Giang đang duy trì tốt các mô hình lợn nhựa tiết kiệm, tiết kiệm từ thu gom phế liệu với tổng số tiền tiết kiệm 773 triệu đồng cho 48 chị vay. Hội Liên hiệp phụ nữ thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách đang làm ủy thác vốn vay với Ngân hàng chính sách xã hội huyện với 8 tổ tiết kiệm và vay vốn, tổng dư nợ đến nay là trên 13,8 tỷ đồng cho 268 hộ vay.
Đa dạng kênh vốn vay ưu đãi
Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương, trong 5 năm qua, việc khai thác nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ vay phát triển kinh tế được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng, hiệu quả.
Thông qua thực hiện chương trình ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; khai thác vốn từ các chương trình, dự án khác, đến nay đã có trên 71.000 hộ gia đình phụ nữ vay vốn để sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nhà vệ sinh với tổng số tiền trên 2.900 tỷ đồng, tăng 800 tỷ đồng so với năm 2016. Chị em hội viên sau khi vay vốn được hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, bảo toàn vốn, không có nợ đọng kéo dài.
Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Hải Dương triển khai tại 5 xã của 4 huyện đã giải ngân trên 25 tỷ đồng, với khoảng 2.000 lượt chị em đã được vay vốn sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Quỹ Tổ chức tài chính quy mô nhỏ trách nhiệm hữu hạn một thành viên tình thương (TYM) được triển khai tại 47 xã/phường của 7 huyện, thành phố với dư nợ gần 61 tỷ đồng cho 6.000 người vay.
Các phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ được triển khai bằng nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương. Tính chung trong 5 năm vừa qua, toàn tỉnh có trên 2.300 hộ do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo.
Theo đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hải Dương, nhữn năm tới, các cấp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên tiếp cận các dịch vụ tài chính, đặc biệt là phụ nữ khó khăn. Đồng thời, các cấp hội tiếp tục nâng cao chất lượng và dư nợ cho vay từ nguồn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mở rộng quy mô và chất lượng hoạt động của Quỹ TYM, Quỹ hỗ trợ phát triển phụ nữ tỉnh…
Song song với đó, Hội vận động hội viên, phụ nữ tham gia các đề án phát triển kinh tế của địa phương, các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh; hướng dẫn hội viên tiếp cận, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ; tham gia phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề…