Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách (NHCSXH) đã tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại Tây Nguyên phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Chú thích ảnh
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Dương ở thôn Đài Đồng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) chăm sóc cây cà phê.

Chỉ tính riêng tại tỉnh Đắk Lắk, đến nay dư nợ của NHCSXH đạt hơn 4.659 tỷ đồng, vốn chính sách “phủ” sâu rộng tới từng buôn làng giúp người dân có vốn kịp thời đầu tư sản xuất kinh doanh.
Vừa chăm sóc cây cà phê, vợ chồng anh Nguyễn Văn Dương ở thôn Đài Đồng, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) hồ hởi chia sẻ: Năm 2013 gia đình anh thuộc diện hộ nghèo của xã, được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi đầu tư phát triển chăn nuôi bò, trông rau màu, cây ăn quả và cà phê. Lúc đầu từ 2 con bò cái, khi bò đẻ, anh để lại nuôi nhân đàn, cùng với số tiền tích cóp từ bán rau và thu hoạch cà phê, năm 2015 gia đình anh đã hoàn trả hết nợ cho ngân hàng. Sau khi trả hết nợ, anh Dương tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng nguồn vốn hộ nghèo đầu tư mở rộng chuồng trại, đưa chăn nuôi bò và mô hình trồng rau của gia đình lên quy mô trang trại, trồng thêm gần 1 ha cà phê. Nhờ đầu tư đúng hướng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và áp dụng đúng kỹ thuật sản xuất nên đàn bò của anh phát triển tốt, số lượng rau màu sản xuất ra được thương lái vào thu mua tận nơi... Nguồn thu nhập từ bán bê con và rau màu cũng mang lại cho gia đình anh mỗi năm hàng chục triệu đồng.

Có hoàn cảnh tương tự gia đình anh Dương, gia đình chị Đỗ Thị Bích Viên ở Tổ dân phố 3, thị trấn Đam Ri, huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cho biết, gia đình thuộc diện hộ cận nghèo được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng. Sau khi được vay vốn, gia đình chị đầu tư trồng 4,5ha cây ăn trái gồm chôm chôm, măng cụt và trồng thêm chè. Nguồn thu từ trồng cây ăn quả đã giúp gia đình chị có thu nhập ổn định, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. “Có được như ngày hôm nay là nhờ nguồn vốn từ NHCSXH, đây thật sự là một cứu cánh đối với gia đình tôi, giúp gia đình có vốn, kịp thời đầu tư sản xuất vươn lên phát triển kinh tế”, chị Viên chia sẻ.

Chú thích ảnh
Chị Đỗ Thị Bích Viên ở tổ dân phố 3, thị trấn Đam Ri, huyện Đạ Huoai giới thiệu vườn cây ăn quả của gia đình được đầu tư từ vốn vay ưu đãi.

Giám đốc NHCSXH huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) Nguyễn Chí Thành, cho biết: Ngân hàng luôn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được với chính sách tín dụng. Đối với những hộ đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, NHCSXH sẽ giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Đặc biệt, các khâu cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm đã được NHCSXH thực hiện ngay tại UBND các xã, thị trấn đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách thuận tiện trong giao dịch, không phải đi lại vất vả. Cán bộ NHCSXH huyện cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt, kiểm tra đánh giá để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên hoạt động cho vay nhanh chóng đi vào nền nếp, nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Qua 16 năm hoạt động của NHCSXH, Quốc hội đã đánh giá: “Chính sách tín dụng đối với người nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực, là một trong những “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo. Từ khi triển khai Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng đã tích cực triển khai và đề ra nhiều giải pháp sáng tạo, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội có bước phát triển mới.

Chú thích ảnh
Anh Y Din KTLa (phải), dân tộc Ê Đê ở buôn Sút MĐưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ kinh nghiệm trồng cà phê cho hộ dân cùng buôn.

Sự phối hợp giữa NHCSXH với các sở, ban ngành, chính quyền địa phương, nhất là 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác ngày càng chặt chẽ và đi vào chiều sâu; chất lượng tín dụng đi vào thực chất và được nâng lên rõ rệt. Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tỉnh Đắk Lắk đã uỷ thác từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đạt gần 218 tỷ đồng và tỉnh Lâm Đồng là hơn 130 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là sau khi có Chỉ thị số 40, Chủ tịch UBND cấp xã, thị trấn tham gia vào Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH cấp huyện. Thông qua việc chỉ đạo, điều hành của Ban đại diện HĐQT, đến nay các xã trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai nhiều giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; thực hiện tốt việc bình xét đối tượng vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Hiệp, huyện Cưkuin (Đắk Lắk) Nguyễn Hồng Khanh cho biết: “Chỉ thị số 40 đã đi vào cuộc sống và tạo tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn thời gian qua. Cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các hội, đoàn thể tích cực kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và có trách nhiệm trong việc bình xét cho vay, sử dụng vốn đến thu hồi nợ đến hạn, vì thế 3 năm qua, Hoà Hiệp là xã không có nợ quá hạn”.

Bài và ảnh: Trần Giáp
Ngân hàng Chính sách Xã hội tập huấn chuyên đề tín dụng năm 2019
Ngân hàng Chính sách Xã hội tập huấn chuyên đề tín dụng năm 2019

Từ ngày 22/5 - 12/6/2019, NHCSXH đã tổ chức 8 Hội nghị tập huấn chuyên đề tín dụng năm 2019 cho các đơn vị trong hệ thống. Tới dự và chỉ đạo các Hội nghị tập huấn có Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN