Người dân tỉnh Đồng Nai thoát nghèo nhanh nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

Đa số người nghèo ở tỉnh Đồng Nai có điểm chung là thiếu tư liệu sản xuất, đặc biệt là thiếu vốn. Để giúp người nghèo ấm no, vươn lên làm giàu, Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền tỉnh Đồng Nai đã đưa đồng vốn đến với người dân. Giúp những hộ dân mạnh dạn đầu tư sản xuất, nên hàng chục ngàn hộ dân đã vượt nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Dù tỉnh đặt ra chuẩn nghèo cao hơn chuẩn cả nước, song đến nay tỉ lệ hộ nghèo tại Đồng Nai chỉ chiếm hơn 1,3% dân số.

Trước năm 2010, gia đình ông Nguyễn Văn Nhị, khu phố 8, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa luôn sống trong cảnh túng thiếu. Gia đình ông Nhị có 5 người con nhưng chỉ có 1.500 m2 đất canh tác, nên ông Nhị phải đi làm thuê để nuôi sống gia đình, lao động cật lực song cái đói vẫn bám níu gia đình ông. Năm 2008, bên cạnh vay tiền cho các con đi học theo chương trình học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, ông Nhị vay thêm 10 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai. Với số vốn ban đầu ông đầu tư trồng rau trên 1.500 m2 đất, đến cuối năm ngoài việc trả hết nợ cho ngân hàng ông thu lãi 10 triệu đồng.

Nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ dân ở Đồng Nai đầu tư phát triển chăn nuôi lợn.


Ông Nhị chia sẻ: “Từ năm 2009 đến 2013, mỗi năm tôi lại đến ngân hàng vay vốn, cuối năm ông hoàn trả, do lợi nhuận từ trồng rau không ngừng tăng lên nên đời sống gia đình ngày một khấm khá. Năm 2014, gia đình tôi được gạch tên khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Dù đã không còn túng đói như trước, nhưng tôi mong Nhà nước tiếp tục hỗ trợ vốn để gia đình tiếp tục vươn lên, thoát nghèo bền vững”.

Năm 2009, ông Nguyễn Đức Huy (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) được vay 10 triệu đồng từ chương trình giảm nghèo, ông Huy mua giống, phân bón để trồng rau trên 2.000 m2 đất. Trong những năm tiếp theo, đầu năm ông Huy đi vay, cuối năm ông trả rồi vay tiếp. Đến năm 2012, gia đình ông Huy thoát nghèo, sau đó hàng năm ông tiếp tục vay vốn giải quyết việc làm để trồng rau, mở tiệm tạp hóa. Đến nay mỗi năm gia đình ông Huy có thu nhập trên 200 triệu đồng. Ông Huy cho rằng, với những hộ nghèo đang có sức lao động thì vốn là yếu tố quyết định tất cả. Người nghèo phải biết quý trọng đồng vốn vì đó là cơ hội thực tế nhất để họ vươn lên.


Tại phường Tân Phong, hầu hết các hộ nghèo đều có điểm chung là ít đất canh tác, thiếu vốn. Do ở khu vực đô thị nên trung bình mỗi hộ ở Tân Phong chỉ có từ 1.000 đến 2.000 m2 đất sản xuất, diện tích đất này chỉ phù hợp trồng rau. Những năm qua, Nhà nước cùng các tổ chức xã hội đã có nhiều hình thức hỗ trợ người nghèo, trong đó nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng là nguồn lực chủ yếu, quan trọng nhất giúp người dân trong phường thoát nghèo.


Thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội Đồng Nai cho thấy, những năm qua, trung bình mỗi năm ngân hàng cho trên 10.000 hộ nghèo, cận nghèo ở Đồng Nai vay vốn với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Riêng năm 2016, ngân hàng đã giải ngân gần 300 tỷ đồng cho khoảng 11.000 hộ nghèo và hộ cận nghèo vay.


Hiện tổng dư nợ từ 6 chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội Đồng Nai đạt gần 1.850 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo, cận nghèo chiếm 31%. Từ nguồn vốn vay, người nghèo ở Đồng Nai đã đầu tư để chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, hầu hết các hộ vay vốn từ 2 - 3 năm là thoát nghèo, sau đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục cho những hộ này vay vốn từ chương trình cận nghèo, giải quyết việc làm, qua đó giúp họ thoát nghèo bền vững.


Ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết: “Hiện mức cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo tại Đồng Nai thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất 50 triệu đồng. Đa số người nghèo sau khi vay vốn tại ngân hàng đều quý trọng đồng vốn, biết đầu tư sản xuất nên đã trả được nợ, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Điểm đặc biệt trong cho vay hộ nghèo, cận nghèo ở Đồng Nai là các hộ dân có trách nhiệm với nguồn vốn, đầu tư vốn đúng mục đích. Từ đầu năm 2016 đến nay, tỉ lệ thu lãi, thu nợ so với cùng kỳ năm 2015 tăng cao, đạt trên 94%”.


Theo ông Phan Trọng Hữu, Phó Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Đồng Nai, hiện chuẩn nghèo của Đồng Nai là hộ có thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng ở khu vực nông thôn và dưới 1,2 triệu đồng/tháng ở khu vực thành thị. Căn cứ chuẩn này, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 10.000 hộ nghèo. Khoảng 5 năm qua, tỉ lệ hộ nghèo ở Đồng Nai giảm nhanh, riêng năm 2016, toàn tỉnh có gần 4.000 hộ thoát nghèo. Thành quả này do người nghèo trên địa bàn tỉnh nhận được nhiều sự hỗ trợ, trong đó nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đóng vai trò quan trọng nhất.


Ông Hữu cho rằng người nghèo thiếu và cần hỗ trợ nhiều thứ, nhưng chính sách hiệu quả nhất giúp giảm nghèo bền vững là cho các đối tượng này vay vốn ưu đãi. Những năm qua, ngoài nguồn vốn của Trung ương (thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội), Đồng Nai còn trích ngân sách hàng trăm tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh nhằm hỗ trợ hộ cận nghèo vay. Nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo trong tỉnh đang rất dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Để người nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi, Đồng Nai sẽ chú trọng công tác đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân.

Công Phong
Hơn 28 nghìn lượt hộ được vay vốn ưu đãi
Hơn 28 nghìn lượt hộ được vay vốn ưu đãi

Ngày 19/10, tại hội nghị Sơ kết hoạt động 9 tháng năm 2016 của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, trong 9 tháng qua tỉnh Hậu Giang có 28,4 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được Ngân hàng tạo điều kiện vay vốn với tổng số tiền là 487.655 triệu đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN