Hộ nghèo giảm nhanh nhờ nguồn vốn ưu đãi

Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tích cực thực hiện chương trình cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách một cách hiệu quả, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 11,16% năm 2011 xuống chỉ còn 4,5% năm 2015, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Cho đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ cho vay của NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015, với 95.587 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn.

Sáu tháng đầu năm 2016, đơn vị cũng đã thu nợ được 382 tỷ đồng, chiếm khoảng 113% kế hoạch năm, đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay quay vòng. Đặc biệt, sau khi thực hiện Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và triển khai Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH các huyện như A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang,... đã củng cố lại mạng lưới 2.694 Tổ tiết kiệm và vay vốn, duy trì hoạt động ở 152 Điểm giao dịch xã, phường, tạo bước chuyển biến mới, thiết thực về ý thức có vay - có trả cho người dân cũng như phương pháp tham gia quản lý hoạt động tín dụng chính sách của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác.

Ngoài ra, chi nhánh đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT các cấp thành lập Ban chỉ đạo thu hồi nợ quá hạn gồm đại diện chính quyền, các hội, đoàn thể, phân công cụ thể cho từng thành viên để hỗ trợ thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, lãi tồn đọng; đồng thời giao nhiệm vụ cho Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia trực tiếp các công việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách từ khâu nhận chỉ tiêu, phân bổ vốn đến việc bình xét cho vay, giám sát quá trình sử dụng vốn của hộ vay, cũng như động viên, đôn đốc mọi người trả gốc và lãi đúng hạn cho Nhà nước.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều mô hình kinh tế vườn rừng, trang trại chăn nuôi, thâm canh rau màu, ngành nghề truyền thống ở khắp vùng đồi núi, đồng bằng, bãi ngang ven biển phát triển bền vững, đạt thu nhập cao bình quân mức 100 - 150 triệu đồng/năm như rừng cây tràm, cây keo của anh Hồ Văn Lúa ở xã A Đớt, huyện A Lưới; trại nuôi lợn rừng, gà đồi của chị Lê Thị Mỳ ở xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông; cụm lồng, bè nuôi cá lồng, cá vấu của ông Huỳnh Ngọc A ở giữa vùng bãi ngang Vinh Hiền, huyện Phú Lộc.

Ông Hồ Văn Mạnh, dân tộc Tà Ôi, ở vùng biên giới Việt - Lào thuộc xã A Roàng, huyện A Lưới đã sử dụng số tiền vay hộ nghèo và Dự án phát triển lâm nghiệp để trồng 5 ha cây keo lá tràm trên vùng đồi hoang. Nhờ đầu tư công chăm sóc, rừng cây lên xanh tốt đã cho gia đình ông Mạnh khai thác gỗ thu nhập trên 200 triệu đồng. Phấn khởi trước thành quả lao động, ông đã hoàn trả hết số tiền vay ngân hàng và còn dùng số tiền lãi từ nghề rừng để lập vườn ươm giống cây lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất của bà con trong làng.

Gia đình chị Trần Thị Phú ở khu vực đầm Cầu Hai được Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ xã Vĩnh Giang, huyện Phú Lộc bình xét cho vay vốn đầu tư nuôi trồng thủy sản. Đến nay, cơ ngơi của chị Phú đã có 2 ha mặt nước nuôi đủ các loại tôm, cua, cá,... cho khai thác trên 12 tấn sản phẩm thu nhập tương đối tốt. “Nhờ vay vốn chính sách thuận lợi và được cán bộ khuyến ngư hướng dẫn kỹ thuật nên gia đình tôi hết nghèo khổ rồi. Không những vậy còn tiết kiệm mua được cả xe ô tô tải chuyên chở sản phẩm thủy sản giao bán cho nhà hàng trên thành phố rất tiện lợi”, chị Phú phấn khởi cho biết.

Để đồng vốn ưu đãi phát huy hiệu quả, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế chủ động phối hợp với các cấp chính quyền, các ngành liên quan tiếp tục khảo sát nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách, phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách đủ điều kiện được vay vốn; đồng thời phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác giao ước thi đua phấn đấu đạt mục tiêu không có xã, phường nợ quá hạn, góp phần phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Văn Đức Thọ
Giúp đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn ưu đãi
Giúp đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn ưu đãi

Ngày 7/1/2016, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã có buổi làm việc với Đoàn Khảo sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIII do đồng chí Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc dẫn đầu, nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách tín dụng đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2005 - 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN