Tuy nhiên, do thị xã có 3 xã nghèo: Tân Trung, Bình Đông và Bình Xuân (trong đó, xã Bình Đông và Bình Xuân là 2 xã bãi ngang, đến thời điểm cuối năm 2020 được công nhận là xã nộng thôn mới, khi tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%), có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn các đơn vị xã, phường còn lại, vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị xã trước năm 2022 cao hơn tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn tỉnh. Cụ thể, đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của thị xã là 1,83%, của tỉnh là 1,6%.
Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Kế hoạch của UBND tỉnh Tiền Giang; UBND thị xã Gò Công đề ra nhiều kế hoạch, phương án quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, để đạt tỷ lệ bằng hoặc thấp hơn tỷ lệ nghèo chung của toàn tỉnh.
Qua hai năm phấn đấu, thị xã Gò Công đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo. Năm 2022, đã có 214 hộ thoát nghèo, đạt 389,09% so với kế hoạch (chỉ tiêu tỉnh giao: thoát nghèo 55 hộ); còn lại 286 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,04%, giảm 0,79%, thấp hơn tỷ lệ nghèo chung của tình là 0,23%.
Năm 2023, thị xã có 168 hộ thoát nghèo đạt 420% so với kế hoạch (chỉ tiêu tỉnh giao: thoát nghèo 40 hộ); còn lại 118 hộ nghèo (toàn bộ hộ nghèo còn lại là hộ có thành viên gia đình đang hưởng chế độ bảo trợ xã hội, điều kiện khó khăn, rất khó thoát nghèo), chiếm tỷ lệ 0,43%, giảm 0,61%, thấp hơn tỷ lệ nghèo chung của tình là 0,67% (dự kiến tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,1%.
Ông Nguyễn Hùng Dũng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội Thị xã Gò Công, trao đổi: Để thực hiện đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo; thị xã đã tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau: Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo theo Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, thực hiện dự án hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm, đã phân bộ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (Dự án 2 và Tiểu dự án 1, Dự án 3) là 2 tỷ 912 triệu cho 06 xã thực hiện dự án cho vay, thu hồi vố 30% trên địa bàn 06 xã, hỗ trợ cho trên 150 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo thực hiện mô hình chăn nuôi bò và chăn nuôi dê sinh sản.
Bên cạnh đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn cho vay thực hiện 1.346 dự án giải quyết việc làm cho hộ gia đình, giải ngân gần 64 tỷ đồng, giúp cho trên 4.000 lao động sử dụng vào mục đích chăn nuôi, trồng trọt và buôn bán.
Địa phương tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu giúp đỡ về y tế, nhà ở, trợ cấp khó khăn, lương thực thực phẩm, vật dụng gia đình nhằm tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống. Tăng cường hỗ trợ phát triển sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp, gắn với tạo việc làm cho người lao động nhằm khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh theo hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể xã tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, phát triển mô hình giảm nghèo, động viên giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tích cực chăn nuôi thực hiện có hiệu quả từ mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện đời sống để vươn lên thoát nghèo bền vững.