Bám sát mục tiêu, giải pháp đã được Đại hội Đảng bộ xã lần thứ VII đề ra, cấp ủy, chính quyền xã Thành Long đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi kinh tế hộ gia đình; khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác, phát triển các vùng chuyên canh tập trung như cây chè, cây mía và trồng rừng. Duy trì và phát triển đàn gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại quy mô lớn.
Nói về sự đổi thay ở Thành Long hôm nay không thể không nhắc đến hiệu quả từ kinh tế đồi rừng. Với gần 5.300 ha đất tự nhiên, trong đó có hơn 3.247 ha đất lâm nghiệp tập trung, chủ yếu là rừng sản xuất. Trong những năm qua, xã đã có nhiều giải pháp để phát triển kinh tế từ trồng rừng cho bà con nơi đây. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ và phát triển rừng, pháp lệnh về giống cây trồng, khuyến khích người trồng rừng sử dụng các loại giống mới cho năng suất, sản lượng gỗ cao hơn được chính quyền xã tập trung chỉ đạo thực hiện. Đồng thời xã chủ động phối hợp Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tuyên truyền phổ biến, lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn để tập huấn, hướng dẫn người dân thâm canh phát triển kinh tế từ rừng.
Chỉ tính riêng năm 2020, toàn xã đã trồng mới được hơn 180 ha rừng tập trung tăng hơn 21 ha so với cùng kỳ năm 2019. Việc phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi tích cực ở xã Thành Long. Gắn với đó là việc hoàn thiện kết cấu đường giao thông nông thôn theo quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu gỗ của địa phương sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người trồng rừng. Đây còn là việc làm cần thiết góp phần quan trọng vào việc tăng độ che phủ rừng, tạo môi trường cảnh quan, phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại địa phương.
Bên cạnh phát triển kinh tế đồi rừng thì để định hướng giúp bà con phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền xã đã quán triệt đến các đảng viên, nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phân công các đồng chí đảng viên phụ trách các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện triển khai thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt. Đây là những dự án mang tính khả thi cao, giúp hàng chục hộ nông dân trên địa bàn xã từng bước thay đổi tập quán canh tác, chuyển hướng sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ sang hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong cũng như ngoài tỉnh, nên đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Hưng Long là một thôn khó khăn của xã Thành Long, huyện Hàm Yên. Toàn thôn có 115 hộ gia đình, chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, nông nghiệp chủ yếu vẫn là trồng lúa. Ngay sau khi thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ xã về quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá, toàn bộ diện tích dất sản xuất nông nghiệp của thôn ngoài trồng 02 vụ lúa đã được bà con chuyển đổi để trồng các loại cây rau, đậu các loại, trong đó chủ yếu là cây cà chua. Do được hướng dẫn các biện pháp khoa học kỹ thuật, sản xuất rau quả an toàn nên năng suất và sản lượng cây trồng của bà con không ngừng tăng, hệ số và hiệu quả sử dụng đất được tăng lên gấp nhiều lần lần so với trước kia. Đến vụ thu hoạch, tiểu thương đến tận chân ruộng thu mua với giá cao, trung bình mỗi hộ thu được từ 20 - 30 triệu đồng/vụ. Đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với nhiều hộ nông dân của Thôn Hưng Long, xã Thành Long.
Với mục tiêu phát triển sản xuất theo hướng liên kết để tạo đà bền vững cho sản xuất nông nghiệp của xã phát triển, Hợp tác xã (HTX) trồng cà chua ở thôn Hưng Long, xã Thành Long, huyện Hàm Yên đã nhanh chóng được thành lập. Mục tiêu hàng đầu là sản xuất rau, củ, quả bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên trong HTX. Trong quá trình thực hiện các thành viên Hợp tác xã đã tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất rau an toàn, mạnh dạn áp dụng kỹ thuật, quy trình sản xuất để tạo ra sản phẩm rau an toàn chất lượng.
Cũng như thôn Hưng Long, thôn Đoàn Kết 1 từng là thôn khó khăn của xã, nhưng đến nay cuộc sống của nhiều hộ dân đã có thay đổi đáng kể từ việc biết khai thác lợi thế ở địa phương. Câu chuyện bắt đầu từ con gà trống thiến. Trước đây ở thôn Đoàn Kết 1, việc chăn nuôi gà chủ yếu chỉ để phục vụ cho sinh hoạt gia đình, nhưng từ khi thấy nhiều nơi quảng bá về các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với lợi thế là thôn vùng sâu vùng xa với 100% đồng bào trong thôn là người dân tộc Cao Lan, bà con sẵn có kinh nghiệm chăn nuôi gà thiến, trước đây mỗi hộ gia đình cũng chỉ chăn nuôi vài chục con gà thiến, chủ yếu là giống gà địa phương. Sau khi được triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thôn Đoàn Kết 1 đã lựa chọn sản phẩm gà thiến để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời bà con cũng nhận thấy hiệu quả, nhiều hộ trong thôn đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi gà thiến với quy mô lớn, có hộ mạnh dạn nuôi đến vài ba trăm con và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Có thể nói, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vai trò của các tổ chức đảng ở thôn được phát huy tích cực, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và thể hiện qua nhiều hoạt động cụ thể, hiệu quả, thiết thực. Từ việc nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để tuyên truyền, vận động và định hướng cho bà con trồng cây gì, nuôi con gì đảm bảo phù hợp với mục tiêu nghị quyết của Đảng ủy xã và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Ở các chi bộ đã phát huy vai trò lãnh đạo nhân dân thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tiểu - thủ công nghiệp tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người dân, tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, các thiết chế văn hóa, cảnh quan môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Xã Thành Long đã tranh thủ sự quan tâm đầu tư của nhà nước để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Gắn Chương trình mục tieu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từng bước xóa bỏ quy mô sản xuất nhỏ lẻ để hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung tại các thôn trên địa bàn xã. Đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn, triển khai các chính sách hỗ trợ bà con về cây, con giống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con phát triển sản xuất.
Tuy nhiên là xã vùng 135, Thành Long còn nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ, trình độ nhận thức của nhân dân còn hạn chế, nguồn lực đầu tư của Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu trong khi điều kiện kinh tế của các hộ gia đình còn rất khó khăn, nhưng bằng những hướng đi phù hợp, cách làm hiệu quả, có thể nói, trong những năm qua, Thành Long đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 24 triệu đồng/người/năm.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng hướng, phù hợp và hiệu quả của cấp ủy, chính quyền xã và sự đoàn kết nỗ lực của nhân dân xã Thành Long trong phát triển kinh tế- xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần làm giảm tỉ lệ hộ nghèo nơi đây, giúp người dân có cuộc sống ngày càng ổn định, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc./.