Ninh Phước là huyện đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Ninh Thuận. Năm 2011, huyện Ninh Phước triển khai xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, nông nghiệp chiếm gần 52% trong cơ cấu kinh tế; thu ngân sách thấp, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 8,7 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm gần 11% dân số toàn huyện.
Sau gần 10 năm, Ninh Phước đã huy động và lồng ghép các nguồn lực được hơn 2.330 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 425 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để tạo động lực phát triển kinh tế, huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình liên kết đầu tư phát triển chuỗi giá trị sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có thế mạnh của địa phương như: Nho, táo, măng tây xanh, dê, bò, cừu; sản xuất các loại giống ngô, lúa, tôm giống để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh thu hút để phát triển năng lượng tái tạo nhằm tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp. Hiện Ninh Phước có 18 dự án năng lượng tái tạo được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư và đang triển khai với tổng nguồn vốn hơn 32.821 tỷ đồng, tổng công suất hơn 1.198 MW, đến nay đã hoàn thành 6 dự án và 4 dự án đang thi công, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập trung bình hàng tháng từ 5-7 triệu đồng/người.
Nhờ đó, thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao, đến nay thu nhập bình quân đầu người đã đạt 43 triệu đồng/người/năm, tăng 4 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 3,69%, giảm 3 lần so với năm 2011. Huyện Ninh Phước phấn đấu đến cuối năm 2025, có 8/8 xã chuẩn đạt nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1-2 xã kiểu mẫu, nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 79 triệu đồng/năm.
Ông Quảng Đại Hoàng, đồng bào Chăm ở xã Phước Hậu phấn khởi cho biết, nơi ông sinh sống, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hầu hết nhà cửa của người dân được xây sửa khang trang, thậm chí nhà lầu, biệt thự. Những con đường trong huyện hầu hết được trải nhựa, đổ bê tông, cảnh quan môi trường trong lành, đường thôn sáng trưng ánh điện vào ban đêm; các loại hàng hóa dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của bà con được đưa về tận thôn, làng.
Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận, sau gần 10 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn trong tỉnh từng bước khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển đồng bộ, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư. Sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Ninh Thuận đạt gần 26 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm xuống còn 11,48%. Toàn tỉnh hiện có 26/47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 55% số xã), trong đó huyện Ninh Phước đã được công nhận huyện nông thôn mới năm 2019 và Ninh Hải đã đủ điều kiện để công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2020.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận (Cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh) cho biết, thời gian qua, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận đã trở thành phong trào rộng khắp, người dân. Nông dân từng bước phát huy được vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới thông qua việc tham gia góp ý và thực hiện quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới của xã; tích cực tham gia góp công, góp của, hiến đất xây dựng công trình hạ tầng ở địa phương và cùng tham gia giám sát, quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư, qua đó nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Tỉnh đã xây dựng kế hoạch và dự kiến huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 với tổng nhu cầu vốn khoảng 4.165 tỷ đồng. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao. Tỉnh phấn đấu năm 2025, thu nhập bình quân của người dân nông thôn trong tỉnh tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
Để chương trình xây dựng nông thôn mới bền vững, đạt được các mục tiêu về giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người nông dân trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Ninh Thuận chú trọng các giải pháp về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng phó biến đổi khí hậu; hỗ trợ, hướng dẫn người nông dân ứng dụng khoa học tiến bộ kỹ thuật mới; chú trọng liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để phát triển kinh tế.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn, từng bước thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.