Cao Lộc là huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn, có 2 cửa khẩu trọng điểm là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu quốc tế Ga Đồng Đăng cùng các chợ biên giới. Trên địa bàn huyện có Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn là vùng kinh tế động lực của tỉnh đã mang lại lợi thế lớn cho huyện trong thu hút vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Các dự án trọng điểm của tỉnh Lạng Sơn được triển khai trên địa bàn huyện Cao Lộc như: dự án Khu trung chuyển hàng hóa cửa khẩu; dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hợp thành 1 và 2; dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 4B…
Theo Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Nguyễn Duy Anh, tính đến tháng 8/2022, huyện có 768 doanh nghiệp, 48 hợp tác xã và gần 5.000 hộ kinh doanh. Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng, xóa đói giảm nghèo. Khối doanh nghiệp với hơn 3.600 lao động của địa phương đã đóng góp nhất định cho ngân sách nhà nước. Trong 8 tháng năm 2022 đã nộp ngân sách nhà nước được gần 34 tỷ đồng…
Cùng với đó, các cấp chính quyền huyện Cao Lộc luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mở rộng đầu tư. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt nắm bắt chủ trương để đầu tư trọng tâm, trọng điểm, khai thác thế mạnh của địa phương như: khai thác chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, thương mại dịch vụ... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã triển khai phương án sản xuất kinh doanh qua việc tập trung thu mua, chế biến sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.
Tại hội nghị, đại diện một số doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh đã nêu ý kiến, kiến nghị các cấp, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn và huyện Cao Lộc chú trọng vào các vấn đề tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: Cho thuê đất, diện tích mặt nước hồ đập để nuôi trồng thủy sản; giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng tại khu vực cửa khẩu; nợ cơ quan bảo hiểm xã hội, nợ thuế, nợ lương công nhân lao động; chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; giải quyết nhà ở đối với công nhân viên lao động…
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tạo lập môi trường thông thoáng, minh bạch trong đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động, mở rộng sản xuất.
Riêng huyện Cao Lộc có nhiều phương pháp, cách làm chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động, nhất là thời điểm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Việc tổ chức đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp giúp lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn lắng nghe, xem xét các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cần hỗ trợ gì từ chính quyền các cấp, qua đó có thêm kênh thông tin tham khảo về điều hành chính quyền. Trên cơ sở đó, tỉnh có những giải pháp, điều chỉnh kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Thông qua việc trao đổi, giải đáp, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các đơn vị có liên quan, lãnh đạo UBND huyện nhanh chóng giải quyết dứt điểm những tồn tại; đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp theo thẩm quyền.
Với những kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết của tỉnh về hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý…, tỉnh sẽ tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền của Trung ương xem xét và giải quyết.