Tiếp sức cho người dân khôi phục sản xuất kinh doanh trong dịch COVID-19

Nhằm hỗ trợ các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh và người lao động từ các tỉnh, thành phố khác trở về địa phương đang có nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình hình hiện nay, bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung theo quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.

Thông qua việc hỗ trợ vay vốn có điều kiện nhằm đồng hành và tiếp sức người dân vượt qua giai đoạn khó khăn, đáp ứng kịp thời nhu cầu khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề, góp phần tạo việc làm ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.

Chú thích ảnh
Chị Trần Ngọc Diễm (xã Tân Long, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) nhận số vốn vay 12 triệu đồng để mua xe ép nước mía.

Tiếp sức người dân vượt khó

Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được ban hành từ tháng 10/2021. Đề án hướng tới đối tượng là các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong các lĩnh vực như: Ăn uống, buôn bán nhỏ lẻ, du lịch, đồ dùng, tạp hóa, trang thiết bị, dịch vụ, vận chuyển, chăn nuôi, trồng trọt, khai thác nuôi trồng thủy hải sản... Đặc biệt, đề án hướng đến những đối tượng là người dân Vĩnh Long vừa trở về từ các tỉnh, thành phố khác, đang muốn ở lại địa phương để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Tổng nguồn vốn dự kiến của đề án là 60 tỷ đồng. Người dân có thể vay tối đa không quá 100 triệu đồng, trả trong thời hạn 5 năm với mức lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ. 

Sau 2 tháng triển khai, đến nay, đề án đã hỗ trợ cho gần 600 cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh vay vốn với số tiền gần 18 tỷ đồng. Hiện nay, ngành chức năng đã nhận hồ sơ của gần 200 trường hợp với số tiền đề nghị vay hơn 7,5 tỷ đồng và đang phê duyệt để tổ chức giải ngân trong thời gian tới.

Đến nhận vốn vay tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đặt ở xã Tân Long (huyện Mang Thít), anh Dương Minh Vẹn, ngụ xã Tân Long phấn khởi vì được vay số vốn 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò. Anh Vẹn cho biết, trước đây, anh làm phụ hồ với thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày. Do dịch bệnh phức tạp nên anh tạm nghỉ việc, mất đi nguồn thu nhập. Những ngày qua, khi được địa phương hỗ trợ tiếp cận hồ sơ vay vốn để chăn nuôi bò anh rất mừng vì có thể ở nhà chăn nuôi, phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh.

Với các tiểu thương đang kinh doanh ở chợ Phường 3, thành phố Vĩnh Long, nguồn vốn được trao tay đã giúp họ phần nào vơi khó khăn sau thời gian dài tạm nghỉ buôn bán do dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: “Tôi nghỉ bán gần 3 tháng để thực hiện giãn cách xã hội tránh dịch, bây giờ bán lại rất khó khăn do lượng khách hàng còn hạn chế, thiếu vốn để sửa chữa quầy sạp và nhập hàng về bán lại. Được hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng, tôi đã đầu tư sửa lại quầy và lấy hàng về bán. Số tiền còn dư thì để dành lấy hàng từ từ, duy trì để kiếm thu nhập qua đợt dịch này. Chị em tiểu thương ở chợ khó khăn đều được vay vốn, ai cũng mừng vì nhà nước quan tâm hỗ trợ giữa lúc khó khăn như hiện nay”. 

Là một trong những hộ kinh doanh vận tải được xét duyệt hỗ trợ từ để án, ông Phan Khắc Dụng (Phường 3, thành phố Vĩnh Long) đã sử dụng số tiền 90 triệu đồng cùng số vốn dành dụm từ trước dịch để đầu tư, duy tu lại phương tiện, thuê nhân công khôi phục lại hoạt động của cơ sở. Theo ông Dụng, sau gần 3 tháng ngưng hoạt động để thực hiện giãn các xã hội, cơ sở của ông gặp nhiều khó khăn do mất nguồn thu nhập, muốn hoạt động lại phải sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện trong khi nguồn vốn tích góp cũng đã chi xài gần hết… Khi hay địa phương có đề án hỗ trợ cho vay, ông đã chủ động tìm hiểu thông tin để thực hiện hồ sơ vay vốn. Mặc dù số tiền vay được còn hạn chế so với nhu cầu của cơ sở, tuy nhiên đây là một sự tiếp sức kịp thời, giúp ông có thêm động lực mạnh dạn đầu tư khôi phục các hoạt động trong tình hình mới. Ông Phan Khắc Dụng cho biết: “Được hỗ trợ vay vốn để khôi phục hoạt động của cơ sở không chỉ bản thân tôi vui mà người lao động ở đây ai cũng vui vì có việc làm, có thu nhập trở lại. Chính sách hỗ trợ này của tỉnh rất thiết thực và ý nghĩa. Tôi mong nguồn vốn này ngày càng dồi dào để người dân, các cơ sở kinh doanh khác được tiếp cận, giúp mọi người vượt qua khó khăn, khôi phục và hoạt động bình thường trở lại".

Tích cực trao “cần câu” cho người dân

Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu bước đầu là giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, qua đó góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương. Xác định chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi trong giai đoạn này sẽ tạo động lực tiếp sức người dân trong khôi phục sản xuất kinh doanh, ngay sau khi đề án vừa ban hành, các ngành chức năng  của tỉnh đã nhanh chóng triển khai để người dân tiếp cận kịp thời. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh và các địa phương đẩy mạnh triển khai, tuyên truyền nội dung, mục tiêu của đề án đến nhân dân, thực hiện rà soát đối tượng thụ hưởng và lập danh sách khách hàng đăng ký vay vốn để phê duyệt và giải ngân kịp thời. Đặc biệt, các địa phương, các đoàn thể tích cực hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục, xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp để tận dụng hiệu quả nguồn vốn được vay.

Chú thích ảnh
Chị Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương chợ phường 3, thành phố Vĩnh Long dùng số vốn vay để sửa chữa sạp và mua hàng tiếp tục kinh doanh.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Tổ Tiết kiệm và vay vốn Khóm 2, Phường 3, thành phố Vĩnh Long cho biết, ngay khi được triển khai đề án, tổ đã tăng cường nắm tình hình khó khăn và nhu cầu của người dân, phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh hỗ trợ các hộ dân lập hồ sơ, lên ý tưởng xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp. Nhờ đó, nhiều hộ kinh doanh, mua bán nhỏ lẻ đang gặp khó khăn do “hụt” nguồn vốn đã nhanh chóng được vay, có điều kiện đầu tư mua bán lại, từng bước khôi phục lại nguồn thu nhập.

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội - Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long Võ Thanh Thủy, đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 được ban hành kịp thời đã tiếp sức người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Hiện nay, qua thống kê, các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn rất lớn. Tuy nhiên, khó khăn là nguồn vốn chương trình cho vay còn hạn chế. Trước tình hình này, Ngân hàng đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể nhận ủy thác rà soát kỹ, giám sát chặt để việc cho vay đảm bảo đúng đối tượng và nhu cầu. Song song đó, đơn vị tạo điều kiện để giải ngân kịp thời nguồn vốn đến các đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện, giúp họ sớm có được nguồn vốn đầu tư tái sản xuất để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà nhận định, đề án được ban hành đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của phần lớn của các cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn. Qua đề án, gần 600 cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh bị mất thu nhập, mất việc làm do dịch bệnh có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề và có việc làm ổn định. Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan và các địa phương tăng cường tuyên truyền để nhiều người dân thuộc đối tượng được hỗ trợ sẽ được tiếp cận đề án, chủ động vay vốn phục hồi sản xuất. Ngành tăng cường giới thiệu việc làm, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và hướng dẫn phương án làm ăn phù hợp với điều kiện và nguồn vốn được vay, qua đó trao “cần câu” để người dân phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm được ngành nghề phù hợp để có thu nhập ổn định, đảm bảo thích ứng an toàn trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế
Nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế

Với mục tiêu kiểm soát tốt dịch CCOVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế, tỉnh Tiền Giang đang triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, từng bước đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN