Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn đối với sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong tỉnh, bởi dịch bệnh bùng phát trở lại lần thứ tư, có tới 320 doanh nghiệp ngừng hoạt động và hàng nghìn doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn. Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh vẫn có sự phát triển, với hơn 900 doanh nghiệp được thành lập mới. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.000 doanh nghiệp, văn phòng đại diện với tổng vốn đăng ký trên 98.769 tỷ đồng.
Năm 2021, tổng thu ngân sách tỉnh cao nhất từ trước tới nay với trên 10.500 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách tỉnh với tổng số tiền hơn 6.200 tỷ đồng, đạt 128% dự toán, vượt 1.358 tỷ đồng. Đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào ngân sách tỉnh trong năm qua đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động mới, góp phần ổn định kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, năm 2021, cộng đồng doanh nghiệp đã ủng hộ các hoạt động phòng, chống dịch và Quỹ vaccine phòng COVID-19 với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các doanh nghiệp đã chung tay ủng hộ 32.950 suất quà tặng hộ nghèo, khó khăn trong tỉnh với trị giá hơn 14 tỷ đồng...
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình kêu gọi, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và toàn thể người lao động trong tỉnh cùng chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo, dấy lên cao trào thi đua lao động sản xuất với một khí thế mới, quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Đối với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị phải luôn luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tập trung thực hiện đồng bộ giải pháp chỉ đạo của tỉnh để tháo gỡ một cách thực chất khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó là thực hiện quyết liệt, hiệu quả Đề án cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện nghiêm túc việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương án "5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bộ phận trả kết quả cấp huyện tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp...