Cả hệ thống chính trị thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của nhân dân và cán bộ, đảng viên.
Nhân dân thống nhất cao
Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ Nội vụ và ý kiến của các bộ, ngành Trung ương có liên quan, UBND tỉnh Phú Yên đã xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và được HĐND tỉnh thông qua. Theo đó, có 5 đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Tuy Hòa thuộc diện phải sắp xếp. Cụ thể, thành phố sẽ nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Bình Ngọc với Phường 1, lấy tên là Phường 1; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Phường 2 với Phường 8 và kết hợp điều chỉnh khu phố Phước Hậu 3, Phường 9, lấy tên là Phường 2; nhập Phường 3 với Phường 5 và kết hợp điều chỉnh khu phố Ninh Tịnh 1, Phường 9, lấy tên là Phường 5; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Phường 4 với Phường 6, lấy tên là Phường 4.
Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Tuy Hòa vừa tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo thành phố với cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã, phường. UBND thành phố Tuy Hòa cũng tổ chức lấy ý kiến cử tri các khu phố với tỷ lệ đồng ý thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính trên 98%.
Bà Lê Thị Vân, Phường 8, thành phố Tuy Hòa chia sẻ, qua các phương tiện thông tin đại chúng, bà được biết việc sáp nhập phường, xã không chỉ ở thành phố Tuy Hòa mà còn nhiều địa phương khác trên cả nước. Đây là chủ trương hợp lý giúp việc quản lý, điều hành bộ máy cơ sở tốt hơn. Chính vì thế, đa số người dân ở khu phố đều bày tỏ sự đồng thuận.
Tại các buổi đối thoại, nhân dân thành phố Tuy Hòa mong muốn chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm thông suốt khi chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính liên quan; sử dụng tài sản công tránh lãng phí. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mỗi địa phương đều có nét văn hóa, sinh hoạt riêng, nhất là việc đặt tên các đơn vị hành chính thường gắn bó chặt chẽ với các yếu tố đặc điểm, điều kiện địa lý tự nhiên có từ trước. Vì vậy, việc đặt tên xã, phường sau khi sáp nhập cần phát huy được các yếu tố tích cực của địa danh...
Theo ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Tuy Hòa (giai đoạn 2023 - 2025) là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và quy định pháp luật. Ý kiến của nhân dân sẽ được các cơ quan chức năng xem xét và giải quyết thấu đáo. Việc điều chỉnh địa giới hành chính nhằm mở rộng không gian phát triển cho các phường trung tâm của thành phố Tuy Hòa và huy động nguồn lực, lợi thế sẵn có của các địa phương để xây dựng trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên phát triển bền vững. Đây cũng là việc làm cần thiết để tinh gọn tổ chức, bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.
Sắp xếp và hỗ trợ cán bộ dôi dư
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Tuy Hòa, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở các đơn vị thành lập, sáp nhập và điều chỉnh địa giới hành chính các phường, xã là 255 người (trong đó có 163 cán bộ, công chức và 92 người hoạt động không chuyên trách).
Là người hoạt động không chuyên trách, bà Nguyễn Thị Mai Đào, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Ngọc bày tỏ: Khi sáp nhập xã, phường những người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở sẽ gặp nhiều khó khăn. Rất mong lãnh đạo các cấp sẽ có giải pháp hỗ trợ trong việc bố trí công việc hoặc tạo việc làm mới. Điều này giúp người hoạt động không chuyên trách ổn định cuộc sống và tiếp tục có những đóng góp cho các hoạt động khác ở khu dân cư, xã, phường nơi sinh sống.
Trước mắt, các cơ quan của thành phố Tuy Hòa bố trí công tác cho cán bộ, công chức theo các vị trí chức danh ở phường mới sau khi sáp nhập và thực hiện chính sách giảm dần theo lộ trình; điều chuyển cán bộ, công chức, viên chức đến đơn vị còn khuyết chức danh hoặc còn thiếu công chức đảm bảo có trình độ chuyên môn phù hợp; giải quyết chế độ nghỉ hưu (nếu đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật). Bên cạnh đó, UBND thành phố Tuy Hòa giới thiệu những cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sáp nhập sang các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để tiếp tục công tác (nếu có).
Bí thư Thành ủy Tuy Hòa Huỳnh Lữ Tân cho biết: Chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là đúng đắn nhưng đây là việc khó, thách thức lớn nên phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn. Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã lần này, thành phố sẽ tính toán thận trọng, cụ thể để đảm bảo tính bền vững, nhất là việc bố trí sắp xếp cán bộ, công chức, người lao động cho bộ máy hành chính mới phải hợp lý, tránh làm ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Thành phố Tuy Hòa đang tích cực vận động để giải quyết theo nguyện vọng khi cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ chế độ theo chính sách tinh giản biên chế; chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;…
Ngoài các chính sách này, Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên đang thực hiện quy trình tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025. Dự kiến nguồn kinh phí chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư, hỗ trợ giải quyết việc làm,… khoảng 23 tỷ đồng.