Tạo động lực phát triển kinh tế từ các sản phẩm OCOP

Hiện Bảo Thắng đang là huyện dẫn đầu cả tỉnh Lào Cai về số xã và số thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang là bước đi quan trọng tiếp theo để huyện tiếp tục thực hiện thắng lợi Chương trình Xây dựng nông thôn mới, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên ở vùng biên cương Lào Cai.

Chú thích ảnh
Sản phẩm quế ống sáo tại Cơ sở thu mua vỏ quế Tâm Hợi (thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) đạt tiêu chuẩn OCOP đang được thị trường thế giới quan tâm. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết, hiện nay địa phương đang là huyện đứng đầu của tỉnh về các sản phẩm OCOP. Không dừng lại ở các sản phẩm đã có thương hiệu, tới đây huyện sẽ tập trung tư vấn, hỗ trợ các chủ thể có các sản phẩm hoặc ý tưởng về sản phẩm, hoàn thiện phương án, kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP, phát triển mẫu bao bì sản phẩm bắt mắt người tiêu dùng.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác giới thiệu các sản phẩm nông lâm, thủy sản, từ đó đưa các sản phẩm đến các thị trường tiềm năng đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường trong tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Bảo Thắng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong xúc tiến quảng bá, tư vấn, định hướng, giúp người dân mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương, bước đầu đã tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân. Đến nay, toàn huyện có 24 sản phẩm nông nghiệp của 14 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất được Hội đồng đánh giá OCOP cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP; trong đó, 3 sản phẩm đạt 2 sao, 21 sản phẩm đạt 3 sao.

Các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng gồm: Bưởi Múc, Phong Hải danh trà (chè xanh Lào Cai), trà bí đao, rượu thóc Phú Sơn, rượu gạo tẻ Phú Sơn, tinh bột nghệ nếp đỏ nguyên chất, tinh bột nghệ nếp đen nguyên chất, viên nghệ mật ong, tinh bột sắn dây chất lượng cao, thịt chua Trường Phát, rượu nếp cái, thịt lợn sấy, xúc xích, thịt trâu sấy, dưa lưới, rượu gạo nếp Phú Sơn, rượu ngô bao tử Phú Sơn, mật ong núi đá, tương ớt Bản Mường, ớt xào Núi Mường, trứng gà an toàn Kim Thành, quả na, quả dứa, quế ống sáo Tâm Hợi.

Huyện Bảo Thắng đặt mục tiêu duy trì và phát triển 21 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; lựa chọn hoàn thiện và nâng cấp ít nhất 30 sản phẩm thế mạnh hiện có của địa phương, phấn đấu đến năm 2025 có từ 50 sản phẩm trở lên đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó 40 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh, 10 sản phẩm 4 sao cấp tỉnh; phát triển mới, củng cố 15 tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP (Công ty cổ phần, công ty TNHH, hợp tác xã, tổ hợp tác).

Điển hình trong các sản phẩm OCOP của Bảo Thắng là các sản phẩm của HTX Nông sản dược liệu Mạnh Hương, một trong những HTX tiêu biểu, đi đầu trong Chương trình OCOP của huyện với 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: tinh bột nghệ đỏ nếp nguyên chất, tinh bột nghệ đen nguyên chất, tinh bột nghệ viên mật ong và tinh bột sắn dây.

Anh Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương cho biết, để có được thành công, hợp tác xã đã có những cách làm mới, sáng tạo và hiệu quả trong việc đưa các sản phẩm có chất lượng cao ra thị trường nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu, đơn vị đặt hàng, liên kết với người dân ở các địa phương trong trồng và bán sản phẩm nông sản, dược liệu thô ban đầu. Các mặt hàng của đơn vị thu mua về rất phong phú trước khi đưa vào sản xuất, sơ chế đóng thành sản phẩm, như nấm hương Sa Pa, củ hoàng sin cô, tam thất, bột/viên hà thủ ô, viên trinh nữ hoàng cung cao xạ đen, bột/viên tinh bột nghệ, bột sắn dây... Đặc biệt, vài năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu thị trường, hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ nghệ để người dân có thêm lựa chọn trong việc tìm sản phẩm chăm sóc sức khỏe.

Chương trình OCOP đã thực sự tạo sự thay đổi cho kinh tế khu vực nông thôn huyện Bảo Thắng. Từ một huyện nghèo với xuất phát điểm vô cùng thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, cơ sở vật chất nghèo nàn, thì nay bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc. Chương trình OCOP tuy mới đi vào thực tiễn chưa lâu, nhưng đã hòa nhịp ngay và có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện Bảo Thắng.

Sản phẩm OCOP đã thúc đẩy tích cực cho phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, tạo khả năng cạnh tranh, được người tiêu dùng quan tâm. Điều đó cũng chính là quá trình giúp các xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Nhờ có OCOP mà nhiều mặt hàng, sản phẩm nông sản từ làng xã đã bước ra thị trường với chất lượng đạt tiêu chuẩn, giải quyết hàng loạt vấn đề ở nông thôn. Nổi bật là thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 48,3 triệu đồng/người/năm, tăng 28 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 2,03%, giảm tới 39 % so với năm 2010.

Để khẳng định thương hiệu và đưa thương hiệu sản phẩm của địa phương vươn rộng ra thị trường, huyện Bảo Thắng đang tích cực triển khai thực hiện các tiêu chí về nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, tạo dựng uy tín trên thị trường. Đồng thời, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề tập trung sản xuất sản phẩm chất lượng, đăng ký nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu... tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình "mỗi xã một sản phẩm" trên địa bàn.

Hồng Ninh (TTXVN)
Lai Châu công bố sản phẩm OCOP năm 2020
Lai Châu công bố sản phẩm OCOP năm 2020

Chiều 13/12, UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025 và năm 2021; dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công năm 2021; công bố quyết định sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN