Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đến nay đã nâng tổng số 74 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc chương trình đạt từ 3 đến 4 sao; trong đó, có 54 sản phẩm đạt 4 sao, 104 sản phẩm đạt 3 sao.
Đồng Tháp là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP được kết nối đưa vào siêu thị và các kênh bán hiện đại, với những sản phẩm mang lại giá trị xanh, từ tiềm năng xanh, kết tinh từ tài nguyên bản địa, tạo sức mạnh to lớn, bền vững cho Đồng Tháp đất sen hồng.
Các sản phẩm được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được sẽ được in, dán trên bao bì sản phẩm. UBND tỉnh cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các chủ thể và các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội đồng Trung ương để xem xét đánh giá các sản phẩm 5 sao cho 4 sản phẩm là hạt sen sấy, mít sấy của Công ty TNHH Nam Huy, Bánh phồng chay cao cấp hạt Sen của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nguyên Hậu - huyện Châu Thành, Xoài sấy dẻo của Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Việt Đức - huyện Thanh Bình.
Các sản phẩm OCOP ở Đồng Tháp được hỗ trợ công nghệ, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ, quảng bá sản phẩm… Đồng Tháp đã ký kết với trên 10 hệ thống chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại lớn để kết nối các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, triển khai trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp và sản phẩm OCOP tại các khu điểm du lịch trên địa bàn; giới thiệu đặc sản và quảng bá du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội…
Hiện nay, các chủ thể có sản phẩm OCOP của tỉnh đã linh hoạt bán hàng trên các trang điện tử: Tiki, Lazada, Shopee và Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp... Đây là cơ hội và điều kiện tốt nhất để các cơ sở, doanh nghiệp có các sản phẩm đạt chuẩn tham gia chuỗi cung ứng hàng hoá trên các kênh giao thương hiện đại .